Tài liệu phục vụ các buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần (08/2022).

Là Công an thì phải luôn tỉnh táo

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân thủ đô, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh : TTXVN

Niềm tự hào vô giá của đời tôi trong những năm phục vụ cách mạng là vinh dự có sáu năm được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Nhưng khi được đến bên Người thì tôi lại thấy mình quá nhỏ bé và non yếu về năng lực. Chính Bác đã dạy tôi làm công tác bảo vệ với bao điều mới lạ. Bác uốn nắn từng động tác, chỉ bảo từng việc làm mà sách vở, nhà trường chưa hề nói tới. Những tình huống mà các đồng chí đi trước trao đổi kinh nghiệm cho tôi cũng chưa lường hết được. Tôi thấm thía những lời dạy của Bác, nhưng có lẽ sâu sắc nhất không bao giờ quên đó là những lần tôi đã làm Bác không hài lòng.

Lần thứ nhất xảy ra đúng vào hôm tôi được nhận nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Bác. Buổi chiều, đồng chí Kháng, Cục trưởng đưa tôi đến đơn vị, nhưng Bác đi họp Bộ Chính trị ở Hồ Tây chưa về. Khoảng 4 giờ chiều thì xe Bác về. Những đồng chí có trách nhiệm ra tận xe đón Bác. Tôi là người đầu tiên có mặt. Đồng chí Ninh bảo vệ tiếp cận Bác ngồi ghế trước, xuống xe nhanh nhẹn mở cửa sau cho Bác xuống. Thấy Bác tay xách cặp, tay cầm chiếc gậy tre, tôi vội vàng đỡ chiếc cặp đen cho Bác. Nhưng bỗng ngỡ ngàng vì tay Bác cầm cặp vội rụt lại. Bác nhìn tôi và hỏi: “Chú ở đâu đến?”. Hiểu ý Bác, đồng chí Ninh vội giới thiệu tôi với Bác. Nghe xong Bác quay lại nhìn tôi như thấu hiểu và âu yếm: “Chú Kháng lẽ ra phải đưa chú đến để Bác biết mặt trước đã chứ, các chú làm công an mà đơn giản quá”. Anh Kháng đến xin lỗi Bác về việc này. Nhưng còn tôi thì cứ ân hận mãi. Ngay ngày hôm sau khi cùng Bác lên xe đi công tác, Bác nhắc lại chuyện hôm qua và giảng giải về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng… Càng nghe tôi càng sáng ra, lớn lên cả về trí tuệ và nghiệp vụ.

Một lần khác, tôi lại phạm phải sai lầm và được Bác dạy bảo đến nơi, đến chốn. Đó là những ngày máy bay Mỹ leo thang ném bom một số nơi thuộc ngoại vi Hà Nội, nhưng Bác vẫn giữ nếp tổ chức chiếu phim cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên và các cháy xem vào tối thứ Bảy hàng tuần. Lần đó, Bác chỉ lên “khai mạc”, xem một lúc rồi về làm việc ngay. Tôi theo Bác về nơi làm việc thường lệ của Người, gian nhà ở gần hầm tránh máy bay. Tôi ngồi ngay hành lang cạnh cửa hầm. Tôi đang miên man suy nghĩ thì nghe từ xa tiếng loa phóng thanh vọng đến, kêu gọi đồng bào chú ý sơ tán và các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Tôi chú ý để nghe rõ hơn nhưng tim đập thình thịch và hai tai nóng bừng. Nhìn vào phòng Bác vẫn say mê đọc tài liệu. Tôi bắt đầu đứng dậy và đi lại, lòng rối bời. Toàn bộ Khu Phủ Chủ tịch đây đó vẫn còn đèn điện thắp sáng. Tôi quên bẵng cả việc trên Nhà khách đang có buổi chiếu phim. Bỗng tiếng loa phóng thanh từ xa lại vọng đến dồn dập hơn. Tiếp đó là tiếng còi báo động rú vang. Sau đó, là tiếng súng phòng không các loại vang rền. Tôi hoảng quá, chạy như lao vào phòng mời Bác xuống hầm ngay. Lòng tôi như lửa đốt, còn Bác thì vẫn ung dung, bình tĩnh. Hai Bác cháu xuống hầm, trong hầm đèn bật sáng, Bác tiếp tục đọc tài liệu. Khoảng 15 phút sau, tôi ra cửa hầm quan sát, nhưng lạ thay bốn bề đều yên lặng. Hà Nội đèn vẫn sáng, càng hoang mang hơn, tôi vội gọi điện thoại về trực ban tác chiến đơn vị, hỏi cả tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thì đều được trả lời là từ tối đến giờ không có báo động gì cả.

Tôi vội mời Bác lên khỏi hầm. Bác bảo tôi hỏi xem Mỹ có ném bom ở đâu không? Phút giây bàng hoàng qua đi, tôi bắt đầu bình tĩnh trở lại và được biết trên Nhà khách Phủ Chủ tịch hôm nay chiếu phim thời sự quân và dân Hà Nội bắn máy bay Mỹ. Có lẽ cội nguồn của sai lầm hôm nay là ở đó? Trời! Tôi tự kêu lên trong suy nghĩ và vào nhận lỗi với Bác. Nghe tôi báo cáo xong, Bác nhìn tôi, mỉm cười độ lượng và phê bình: “Tại chú thiếu bình tĩnh đấy thôi, là công an thì phải luôn luôn tỉnh táo. Lúc có địch phải coi như không có địch, còn lúc không có địch cũng phải coi như có địch”.

Nghe Bác dạy, tôi nhận ra cái tính vội vàng, hấp tấp, thiếu bình tĩnh của mình. Cảm động và nghẹn ngào, thấy được lỗi nhưng ngập ngừng mãi tôi nói không lên lời. Một lúc sau tôi mới thưa với Bác: “Thưa Bác, cháu xin nhận lỗi và hứa sẽ sửa ngay ạ!”. Bác tiếp tục làm việc. Tôi ra khỏi phòng Bác với tâm trạng lâng lâng. Ngày hôm sau, tôi báo cáo lại toàn bộ sự việc này với lãnh đạo đơn vị và nghiêm khắc tự kiểm điểm.

Trong cuộc đời người lính không mấy ai tránh được những sơ xuất, sai lầm. Nhưng với tôi, những sai lầm, khuyết điểm đó là không thể tha thứ được. Tôi ghi nhận điều đó như một bài học, mãi mãi không bao giờ quên.

(Trích nguồn: theo lời kể của Nguyễn Tất Liêm, cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2005)

 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1