Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, giá cước quá thấp
có thể khiến các nhà mạng phải đánh đổi bằng chất lượng dịch vụ.
Từ giữa năm, nhà mạng tại Việt Nam đồng loạt đưa ra
chính sách siết ưu đãi hoặc thay đổi gói cước với người dùng. Từ tháng 6, ba
nhà mạng di động lớn đã ngừng
cung cấp gói cước giá rẻ, gói data không giới hạn. Trong khi đó, một số
nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định cũng điều chỉnh từ giữa tháng 7, yêu cầu
người dùng trả
phí lắp đặt 300 nghìn đồng, thay vì miễn phí như trước. Cuối tháng 8,
các ISP lớn nhất tại Việt Nam cùng bắt tay, từ chối ký hợp đồng mới với những
người còn
nợ cước ở nhà mạng khác.
Tại cuộc họp chiều 6/9, đại diện Bộ Thông tin và Truyền
thông cho biết đây là kết quả tất yếu sau quá trình cạnh tranh của nhà mạng nhiều
năm qua. Các động thái này không có gì vi phạm và chưa phải can thiệp.
"Giá cước viễn thông tại Việt Nam luôn giảm và đã
giảm đến mức không giảm được nữa", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Theo ông Long, cước viễn thông của Việt Nam thuộc nhóm
rẻ nhất thế giới tính theo dung lượng data. Giá cước quá thấp có thể khiến
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gặp khó khi cần tái đầu tư. "Nếu nhà mạng đến
lúc nào đó không còn tiền để tái đầu tư thì sẽ phải trả giá bằng chất lượng",
ông nói. Dẫn ví dụ tại sự kiện MWC 2023 ở Tây Ban Nha hồi tháng 2, 42% nhà mạng
châu Âu cho biết họ có thể phá sản trong 10 năm tới nếu không thay đổi.
Trước đó, một số nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng đề nghị
các nhà cung cấp dịch vụ OTT chia sẻ chi phí. Theo đại diện một nhà mạng, trong
khi doanh nghiệp viễn thông chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi
điện thoại và SMS, các OTT hoạt động tại Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ, một số
tăng trưởng ở mức hai con số.
"Trong sự dịch chuyển này, nhà mạng vẫn luôn đảm
bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư
hạ tầng", người này cho hay.
Về động thái cắt khuyến mại lắp đặt Internet, Cục Viễn
thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc khuyến mại hiện nay vốn được
thực hiện theo quy định của pháp luật và nhà mạng đã tuân thủ quy định về hạn mức,
nội dung khuyến mại, đăng ký thông báo khuyến mại theo đúng quy định.
Về giá cước, doanh nghiệp viễn thông tự quyết định giá
cước áp dụng cho người sử dụng trên cơ sở giá thành và định hướng phát triển
kinh doanh cùa họ và thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo giá cước theo quy định.
Cục Viễn thông chỉ đình chỉ giá cước trong trường hợp không đảm bảo giá thành đối
với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, hoặc khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt,
phá giá gây mất ổn định thị trường, thiệt hại cho người sử dụng.
"Hiện nay, việc điều chỉnh xây dựng gói cước nói
trên không vi phạm quy định pháp luật về quản lý giá cước viễn thông, đồng thời
chưa có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh hay vi phạm quyền lợi người tiêu
dùng", đại diện Cục Viễn thông cho biết.