Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho Công dân
Nhằm hướng tới Chính phủ số, cuộc sống số... theo Đề án 06, hiện nay, mỗi cá nhân, tổ chức có một danh tính riêng trên môi trường điện tử để Nhà nước quản lý thông tin.
Việc đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể được gọi là định danh điện tử.
Để quản lý hoạt động định danh và danh tính điện tử, Bộ Công an đã xây dựng một hệ thống thực hiện đăng ký, tạo lập, quản lý tài khoản định danh điện tử và thực hiện xác thực.
Tại Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP giải thích, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
Công dân thực hiện đăng ký, quản lý, khai thác thông tin tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID - ứng dụng do Bộ Công an xây dựng, phát triển, quản lý.
Tên đăng nhập, số tài khoản định danh điện tử chính là số định danh cá nhân hay số Căn cước công dân.
Tại Điều 8, Điều 9 Nghị định 59 nêu, tài khoản định danh điện tử của cá nhân được chia thành 2 mức độ:
Tài khoản định danh điện tử mức 1 gồm các thông tin cơ bản: Số định danh cá nhân; Họ tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính;
Trường hợp là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Tài khoản định danh điện tử mức 2 là mức độ cao nhất của tài khoản định danh cá nhân.
Tài khoản định danh điện tử mức 2 có đầy đủ thông tin cá nhân như cấp độ 1, ngoài ra còn có thêm các thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.
Đồng thời, được tích hợp thêm các giấy tờ như: Giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, Hộ chiếu, chứng nhận tiêm chủng…
Người dân cần đến trực tiếp cơ quan Công an để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.
Hiện nay, công an các tỉnh thành đang cấp tập cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Việc cấp tài khoản định danh điện tử được cấp ở mọi nơi như: cảng hàng không; tại kỳ họp Quốc hội (cấp cho các đại biểu Quốc hội), hay đến từng nhà.
Trong đó, tại Hà Nội, cơ quan công an đề nghị công dân từ đủ 14 tuổi, cán bộ công chức, viên chức, đảng viên hoàn thành việc có tài khoản định danh điện tử cấp độ 1, 2...
Tài khoản định danh điện tử mức 2 có bắt buộc không?
Theo một cán bộ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, hiện nay, pháp luật chưa có quy định bắt buộc người dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang có các chính sách khuyến khích người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06.
Bởi việc tích hợp nhiều tiện ích trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (trên ứng dụng VNeID) như: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội;
Thẻ bảo hiểm y tế; Người phụ thuộc; Thông tin về thuế; Hộ chiếu; Thông tin cư trú... giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc trong thực hiện các dịch vụ công, thủ tục hành chính.
Báo cáo từ Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ tháng 5 nêu rõ: Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử. Trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ (tăng 5,2 triệu hồ sơ so với tháng 4.2023).
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025 phấn đấu đạt trên 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID. Sau đó nâng số tài khoản lên 60 triệu người dùng trong giai đoạn 2025 - 2030.