Cán bộ Phòng giao dịch
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Sơn thăm mô hình vay vốn sản xuất thủ
công mỹ nghệ tại thị trấn Phát Diệm.
Qua phong trào
thi đua, đã tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, khơi dậy tinh thần trách nhiệm
trong toàn thể cán bộ, người lao động, góp phần chuyển tải, phát huy có hiệu quả
nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ dành cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách; từ
đó thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng
nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Câu chuyện ở huyện miền núi Nho Quan
Về xã Đức Long, chúng tôi được gặp
gỡ và nghe chia sẻ của không ít người dân về câu chuyện vượt khó, cải thiện đời
sống gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách như trường hợp của gia đình chị
Hoàng Thị Thìn ở thôn Nho Phong vay 100 triệu đồng mở rộng sản xuất đá mỹ nghệ,
đến nay đã thoát nghèo.
“Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn
quá nên chẳng ai dám cho vay, được Ngân hàng CSXH giúp đỡ; vừa cho vay vốn, vừa
hướng dẫn cách sử dụng, kinh doanh sao cho hiệu quả, nhờ vậy mà gia đình đã dần
thoát được nghèo...” - chị Thìn chia sẻ.
Đồng chí Mầu Xuân Ngọc, Giám đốc
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan chia sẻ: Địa bàn rộng, dân cư
phân bố không đều, đi lại khó khăn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức,
triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Để khắc phục, nhiều phong trào
thi đua đã được Phòng giao dịch phát động sôi nổi trong từng tháng, quý với nội
dung cụ thể như: Nâng cao chất lượng của các điểm giao dịch xã, củng cố các Tổ
tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản; thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại
phía sau”, thi đua hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và duy trì, giữ vững
chất lượng tín dụng; thi đua triển khai dịch vụ Mobile Banking đến khách
hàng...
Không ít sáng kiến, cải tiến, giải
pháp được áp dụng, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả vốn
vay. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm
cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, luôn gần dân, sát dân với phương châm “Thấu hiểu
lòng dân, tận tâm phục vụ”. Những việc làm này đã góp phần đưa hiệu quả nguồn vốn
ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng chính trên địa bàn huyện.
Hiện huyện Nho Quan là địa phương
có tổng dư nợ tín dụng chính sách đứng thứ 2 toàn tỉnh. Đặc biệt, nếu như trước
đây, Nho Quan là đơn vị có nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương thấp nhất
tỉnh thì nay đã vươn lên nhóm đầu, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện đáng
kể khi tỷ lệ nợ quá hạn giảm chỉ còn 0,06% (trước đây có thời điểm tỷ lệ nợ quá
hạn lên tới 0,55%). Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo
trên địa bàn huyện từ 4,65% năm 2020 xuống còn 1,84% năm 2024.
Động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị
Không chỉ ở huyện Nho Quan, thời
gian qua, các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo diễn ra sôi nổi,
rộng khắp trong toàn hệ thống Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình.
Tiêu biểu như tại Phòng giao dịch
Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn, hưởng ứng phong trào thi đua nghiên cứu khoa học,
phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, tập thể cán bộ, người lao động đã có hai
sáng kiến nổi bật là: Giải pháp đáp ứng nhu cầu, đảm bảo nguồn vốn tại các xã
không còn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và Giải pháp nâng
cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trọng tâm
là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác qua
Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện
Kim Sơn.
Kết quả, qua 4 năm thực hiện, nguồn
vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt trên 53 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với trước
khi có Chỉ thị số 40. Trong giai đoạn 2020- 2025, Phòng giao dịch huyện Kim Sơn
đã giải ngân 903 tỷ đồng, giúp cho gần 22.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng
chính sách khác được vay vốn, trong đó có gần 2.000 hộ đã vượt qua ngưỡng
nghèo.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH
tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Là đơn vị cung ứng tín dụng đặc thù
dành cho những đối tượng yếu thế nhất của nền kinh tế, do vậy, chúng tôi nhìn
nhận phong trào thi đua là một công cụ, động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị
được giao.
Đồng thời hội tụ sức mạnh toàn hệ
thống chính trị, xã hội thực hiện chủ trương đưa tín dụng chính sách xã hội trở
thành đòn bẩy, là giải pháp căn cơ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch
về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội
trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh thường xuyên tuyên truyền,
giáo dục cho cán bộ, người lao động nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công
tác thi đua, khen thưởng, từ đó tạo động lực khuyến khích, động viên họ khắc phục
khó khăn, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng năm, đại
diện cấp ủy đảng, chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã phối hợp xây dựng
và ký kết giao ước thi đua, đồng thời chỉ đạo quyết tâm thực hiện tốt, hoàn
thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Dựa vào tình hình thực tế, xây dựng
chương trình kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc xác định mục
tiêu cụ thể, có các nội dung, tiêu chí đánh giá thi đua trọng tâm, trọng điểm,
tham mưu tổ chức triển khai thực hiện phát động nhiều phong trào thi đua ngắn
ngày, thi đua theo chuyên đề, như: Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo;
cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; chung sức xây
dựng nông thôn mới; thực hiện xuất sắc các chỉ tiêu theo chuyên đề; giỏi việc Ngân
hàng, đảm việc nhà…
Qua thực hiện phong trào thi đua,
nhiều tập thể, cá nhân đã có những sáng kiến hay, mang lại hiệu quả trong công
tác của ngành, đơn vị. Tập thể cán bộ, người lao động của đơn vị có tinh thần
đoàn kết, năng động, sáng tạo; tinh thần, thái độ phục vụ người dân được nâng
lên rõ rệt.
Hiệu ứng từ những phong trào thi
đua và khen thưởng đã đưa nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng
CSXH tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách
trên địa bàn đạt gần 518 tỷ đồng, tăng 434 tỷ đồng so với năm 2019, tỷ lệ tăng
trên 516%. Tổng dư nợ đạt trên 4.430 tỷ đồng, tăng 2.030 tỷ đồng so với năm
2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,8%/năm.
5 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng
CSXH tỉnh đã cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể giúp cho trên 9.000 hộ vươn
lên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 2,57% đầu năm 2019 xuống 1,48%
cuối năm 2024. Tạo việc làm cho gần 40 nghìn lao động, chắp cánh cho ước mơ tới
trường của 1.600 học sinh, sinh viên; xây mới, cải tạo gần 800 căn nhà cho hộ
nghèo và gia đình chính sách; đầu tư cho vay để xây dựng trên 120 nghìn công
trình hợp vệ sinh và công trình nước sạch góp phần cải thiện môi trường nông
thôn, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Để công tác thi đua, khen thưởng
thực sự trở thành động lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
chính trị được giao trong thời gian tới, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục
bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, UBND tỉnh, chủ động phát động
các phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo thiết thực, phù hợp với
tình hình thực tế của đơn vị đến toàn thể cán bộ, người lao động ra sức thi
đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao hàng năm, xây dựng đơn vị
ngày càng phát triển.