Bác sĩ Đinh Thế Tiến khám cho bệnh nhân hậu
COVID-19.
Di chứng về hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất
Trong lịch sử khám hậu COVID-19, Đinh Thế
Tiến, Phòng Khám Hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhớ nhất trường hợp
mà anh đã điều trị là bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi, nghiên cứu sinh ngành Luật tại
Mỹ nhiễm COVID-19 từ tháng 10. Tại Mỹ, bệnh nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và tự
điều trị nhà.
Sau khi về Việt Nam tháng 11, bệnh nhân
liên tục rơi vào trạng thái không thể tập trung nghiên cứu, làm việc. Khi tới
khám, bệnh nhân có đưa ra một danh sách dài những việc bị đình trệ trong suốt 3
tháng về Việt Nam.
"Bệnh nhân còn gặp triệu chứng tim hồi
hộp, nhịp tim nhanh, không tư duy minh bạch. Đặc biệt, bệnh nhân có triệu chứng
rối loạn trầm cảm lo âu nặng, luôn luôn sợ mọi người chê cười. Bệnh nhân được
thăm khám chuyên sâu, phát hiện còn tổn thương nhẹ ở phổi", bác sĩ Tiến
cho hay.
Bệnh nhân T.T.Q (40 tuổi, Hà Nội) tới tái
khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vì sau COVID-19 anh sụt cân 5 ký trong một
tháng. Bệnh nhân không ngủ được, hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh. Sau khi được
khám xét, bệnh nhân được phát hiện chức năng tuyến giáp có vấn đề vì bệnh
basedow bùng phát trở lại, chỉ số hooc-mon tuyến giáp cao, tăng sinh mạch.
"Trường hợp này chúng tôi phải hội chẩn
chuyên khoa nội tiết và có kế hoạch theo dõi và điều trị sát sao. Đáng nói trường
hợp này đã điều trị bệnh tuyến giáp ổn định 10 năm trước và sau COVID-19 bệnh
nhân bùng phát bệnh trở lại", bác sĩ Tiến cho hay.
Nhiều gia đình cùng đi khám sau khi
nhiễm COVID-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thế Tiến cho biết,
trong số hơn 300 bệnh nhân tới khám hậu COVID-19 trong gần một tháng qua,
nhóm chiếm phần lớn là gặp các vấn đề về hô hấp như khó thở, hụt hơi, mệt mỏi,
mất năng lượng. 80% trong nhóm người đi khám hậu COVID-19 là F0 tự điều trị
COVID-19 tại nhà. Sang chấn tâm lý và tổn thương hô hấp chiếm tỷ lệ khoảng
30-50% số bệnh nhân tới khám.
Nhóm bệnh nhân phải nằm viện điều trị tình
trạng COVID-19 cấp tính là nhóm bị ảnh hưởng cuộc sống nhiều nhất với các
biểu hiện mất ngủ, stress, lo lắng tâm lý.
"Nhiều gia đình có ba thế hệ cùng tới
khám. Tỷ lệ trẻ em hậu COVID-19 cũng gặp nhưng tỷ lệ không nhiều, khoảng 1/10 số
bệnh nhân tới khám và thường là triệu chứng mức độ nhẹ", bác sĩ Tiến cho
hay.
Bên cạnh đó, có không ít trường hợp bệnh
nhân có bệnh nền từ trước mà không biết hoặc bệnh nền đã điều trị ổn định từ
lâu nay tái phát, cần phải chuyển sang khám chuyên sâu về tim mạch, nội tiết,
truyền nhiễm, hô hấp…
Nhóm bệnh nhân tới khám do các triệu chứng
hô hấp chiếm tới 60-70% trong đó không ít trường hợp có viêm phổi kẽ, xơ phổi
phát hiện bằng chụp phi cắt lớp vi tính. Những trường hợp này cần phải được điều
trị bằng thuốc, tập chức năng hô hấp, được hướng dẫn biện pháp tập thở, chỉnh
thuốc điều trị bệnh lý nền và theo dõi sát sự tiến triển của tổn thương phổi.
Di chứng nặng nề nhất với bệnh nhân hậu
COVID-19 là tình trạng tổn thương xơ phổi, viêm phổi tổ chức hóa, hoặc các biến
cố huyết khối mạch máu lớn như động mạch phổi, não, tim, có thể dẫn đến tử
vong.
Theo bác sĩ Tiến, trong số các bệnh nhân tới
khám, tỷ lệ nhập viện chiếm khoảng 5-7%, trong đó có khoảng 5% phải nhập viện từ
khoa Cấp cứu.
Trường hợp nào nên tái khám sớm hậu
COVID-19?
Hậu COVID-19 để lại một số di chứng nguy hiểm
như các huyết khối, phổi, tim (rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim), tổn thương hệ
cơ quan Trung ương như hiện tượng sương mù não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận
thức. Các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể
cả ở người trẻ không có bệnh lý nền.
Vì thế, bác sĩ Tiến khuyến cáo, bệnh nhân
điều trị tại nhà sau khi khỏi COVID-19, hoàn thành cách ly nên giữ vững tinh thần
không quá lo lắng, ăn uống đầy đủ. Hãy lắng nghe cơ thể, nếu có dấu hiệu tồn tại
kéo dài nên tái khám sớm, tiếp tục thực hiện đầy đủ 5K và tiêm vaccine theo
khuyến cáo.
Trường hợp nào hoàn toàn khỏe mạnh không
có bệnh lý nền, nên tái khám thông thường, khoảng 3-6 tháng.
Nhiều người trẻ cũng tới khám vì mắc các
triệu chứng kéo dài.
Những người có triệu chứng dai dẳng trong
COVID-19, kéo dài từ 4 tuần sau khi khỏi cần khám hậu COVID-19 để tầm soát bệnh.
Đặc biệt những người lớn tuổi có bệnh lý nền
từ trước, đã từng phải nhập viện điều trị COVID-19 nên tái khám sớm để hạn
chế tình trạng làm nặng thêm bệnh lý nền. Nếu có biểu hiện khó chịu, mệt mỏi nổi
bật nên tái khám ngay.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết, khám hậu
COVID-19 là vấn đề mới. Ngoài học tập khóa đào tạo bằng tiếng nước ngoài của Tổ
chức Y tế thế giới, các bác sĩ cũng học hỏi kinh nghiệm được chia sẻ từ một số
cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, bác sĩ khám hậu COVID-19 sẽ phải tổng
hợp kiến thức rất nhiều chuyên khoa hô hấp, tim mạch, tâm lý tâm thần để tư vấn
cho người bệnh.
Bác sĩ Tiến dự đoán, thời gian tới vấn đề
hậu COVID-19 sẽ là một vấn đề nóng của ngành y tế và sẽ phải tăng cường thêm
bác sĩ, thêm các đơn vị triển khai khám hậu COVID-19. "Về mặt lâu dài sẽ
là một bệnh sẽ phải quản lý theo dõi lâu dài bằng việc theo dõi bệnh án tái
khám đến cả năm. Bộ Y tế đang nghiên cứu bảo hiểm y tế để chi trả cho đối
tượng này", bác sĩ Tiến cho hay.
Hiện ngành y tế cũng chưa có phác đồ rõ
ràng, việc thăm khám hậu COVID-19 đòi hỏi nhiều thời gian, đánh giá nhiều cơ
quan, liên quan tư vấn cho bệnh nhân về dinh dưỡng, tâm lý, tập thở cho bệnh
nhân. Để làm tốt việc điều trị, các bác sĩ phải cá thể hóa từng bệnh nhân, tư vấn
chế độ dinh dưỡng và các biện pháp can thiệp điều trị khác nhau.