TỔNG HỢP Giải đáp một số vấn đề, nội dung đối thoại với doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tỉnh Ninh Bình, ngày 14/4/2022

          

I. Một số vấn đề, nội dung chung:

1. Chương trình xây dựng/đăng ký và phát triển sản phẩm, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhãn hiệu chứng nhận.

Hiện nay Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang triển khai theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chương trình OCOP thực hiện theo 6 bước như sau:

(1) Tuyên truyền hướng dẫn về OCOP;

(2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm;

(3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

(4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

(5) Đánh giá và xếp hạng sản phẩm;

(6) Xúc tiến thương mại.

(Các chủ thể đề xuất, đăng ký ý tưởng sản phẩm về UBND cấp xã. UBND
cấp huyện rà soát, tổng hợp nhu cầu đăng ký sản phẩm của địa phương, gửi Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, khảo sát lựa chọn, xây dựng kế
hoạch OCOP hàng năm trình UBND tỉnh ban hành; Hỗ trợ, hướng dẫn các chủ

thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm
OCOP các cấp).

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Quyết định số 781/QĐ- TTg ngày 08/6/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg.

- Đối với nội dung “Chương trình xây dựng/đăng ký và phát triển nhãn hiệu chứng nhận”: Sở Nông nghiệp và PTNT không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, đề nghị liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 123/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025).

          2. Thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp

- Việc thực hiện đối với các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện tại trên địa bàn tỉnh đang triển khai theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Nghị quyết số 05-NQ/TU Ngày 24/10/2016  của Tỉnh ủy Ninh Bình, Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 39/2018/NQ ngày 12/12/2018 của HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019 - 2020. Nghị quyết số 113/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh.

Đến nay, các mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, công nghệ cao đang được tích cực triển khai và nhân ra diện rộng. Ngoài lúa ra có thể kể đến như: Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại phường Đông Sơn, Tp Tam Điệp; xã Phú Lộc, huyện Nho Quan; mô hình nuôi gà, nuôi dê, nuôi lợn thảo dược, hữu cơ tại Khánh Thành huyện Yên Khánh; nuôi lợn ở xã Gia Hoà huyện Gia Viễn; Khu nhà lưới của Công ty Văn Sỹ tại xã Ninh Mỹ huyện Hoa Lư; khu nhà lưới của Công ty Nhất Thuý xã Gia Hoà huyện Gia Viễn; Công ty cổ phần Công Nghệ Xanh xã Khánh Cư huyện Yên Khánh; Công ty công nghệ cao DG xã Ninh An, huyện Hoa Lư và Công ty TNHH thuỷ sản Bình Minh huyện Kim Sơn.

Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có nhu cầu tham quan, học tập
kinh nghiệm, nhân rộng mô hình có thể liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại để được tư vấn, tham quan học tập kinh nghiệm.

3. Thực hiện việc cho thuê rừng và thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng

Theo Khoản 21, 22 Điều 2 Luật Lâm nghiệp: “Nhà nước cho thuê rừng là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng rừng thông qua hợp đồng cho thuê rừng; Thuê môi trường rừng là việc tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ rừng để được sử dụng môi trường rừng trong một thời gian nhất định thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

Thuê rừng phải tuẩn thủ quy định tại Điều 17 Luật Lâm Nghiệp 2017, việc cho thuê rừng chỉ thực hiện đối với rừng sản xuất; thuê môi trường rừng: Áp dụng đối với 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) theo quy định tại Khoản 6 Điều 14, Khoản 6 Điều 23, Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp chủ rừng được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

- Về giá cho thuê rừng: Đối với rừng sản xuất, giá thuê rừng được áp dụng theo khung giá rừng do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm thuê; Đối với thuê môi trường rừng do thỏa thuận giữa chủ rừng và bên thuê môi trường rừng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng theo quy định tại Khoản 6 Điều 14, Khoản 6 Điều 23, Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được phê duyệt.

- Hiện nay chưa có chính sách ưu đãi cho đơn vị đi đầu có dự án thuê rừng.

          4. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Công tác đầu tư, phát triển hệ thống thuỷ lợi của tỉnh đã và đang được thực hiện theo Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 11/7/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và đang được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hỗ trợ xây dựng phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiến tiến, tiết kiệm nước thực hiện theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2015.

5. Chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp xây dựng trụ sở làm việc, xây dựng nhà xưởng, máy móc, kho bảo quản nông sản nhằm làm giảm tổn thất sau thu hoạch và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho HTX

Ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 118/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND ngày  23/1/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có các nội dung hỗ trợ về xây dựng, thành lập và nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả.

          - Đối tượng hỗ trợ: Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhu cầu xây dựng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả (ưu tiên các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất xanh, OCOP…)

          - Nội dung hỗ trợ:

          + Giống cây, con mới, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trang thiết bị ứng dụng công nghệ cao, phần mềm chuyển đổi số….

          + Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng so chế, chế biến, bảo quản; trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sản xuất hiệu quả, sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị.

          6. Chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sản xuất.

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 43/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong đó, có quy định về chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể:

- Mức vốn được vay: Thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh với mức vốn vay tối đa là 500 triệu đồng/dự án. Mỗi tổ chức hoặc mỗi cá nhân được vay vốn cho 01 dự án.

- Lãi xuất cho vay: Bằng lãi xuất cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chỉnh phủ, do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ; Lãi xuất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

- Thời hạn vay: Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (5 năm); thời hạn vay vốn cụ thể căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.

          II. Một số vấn đề nội dung cụ thể

          7. HTX Na trái vụ tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long đề nghị: Hỗ trợ kinh phí cho Ban giám đốc hoạt động vì HTX không có phụ cấp

Về nội dung trên tham khảo và thực hiện theo quy định tại Điều 3,7,46 Luật HTX năm 2012.

          8. HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn đề nghị: Xin hỗ trợ máy để chế biến sâu; vay vốn ưu đãi; nhà xưởng để sản xuất và kinh phí hoạt động cho HTX.

Các nội dung về hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp (danh mục máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp theo quy định) đã và đang triển khai thực hiện gồm:

- Giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, tỉnh ban hành nhiều chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020: Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016, Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018, Nghị quyết số 113/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết số 05-NQ/TU và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Giai đoạn 2017-2020, Toàn tỉnh hỗ trợ thực hiện 439 mô hình, chương trình, dự án, trong đó có nhiều mô hình, dự án của các HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị chế biến, bảo quản nông sản. Các mô hình, dự án đều được đánh giá đem lại hiệu quả tích cực. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 – 2025” tại Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/04/2022. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tham mưu chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, trong đó dự kiến có nội dung về hỗ trợ cơ giới hóa (máy móc, thiết bị, hệ thống thiết bị thuộc danh mục máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp của tỉnh). Khi chính sách được thông qua, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức triển khai thực hiện.

Về nội dung trên tham khảo, thực hiện theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể HTX giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 118/NQ-HĐND phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.

          9. Ông Lê Hữu Hảo, Giám đốc doanh nghiệp TN sản xuất thực phẩm Linh Phương, tổ 30, phường Bắc Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đề nghị: Xây dựng các gian hàng sản phẩm OCOP Ninh Bình tại các điểm du lịch và dừng chân lớn của tỉnh

Về nội dung này, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa xây dựng được các gian hàng giới thiệu, trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong năm 2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề xuất xây dựng 02 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại huyện Nho Quan và Thành phố Tam Điệp. Theo lộ trình đến năm 2025, xây dựng, nhân rộng các điểm/trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố (Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm) gắn với các điểm du lịch nhằm quảng bá sản phẩm OCOP Ninh Bình tới du khách trong nước và quốc tế.

10. Ông Phạm Văn Quang, Công ty Cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Ninh Bình đề nghị:

- Có chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị để tổ chức sản xuất các cây trồng nhằm nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí lao động sản xuất, giảm giá thành nông sản;

- Phát triển mạnh các trang trại nuôi Dê, Hươu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Dê, Hươu;

- Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đủ sức thu mua các sản phẩm thủy sản của toàn tỉnh.

(1) Về hỗ trợ máy móc, thiết bị để tổ chức sản xuất các cây trồng nhằm nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí lao động sản xuất, giảm giá thành nông sản: Giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, tỉnh ban hành nhiều chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020: Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016, Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018, Nghị quyết số 113/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Giai đoạn 2017-2020, Toàn tỉnh hỗ trợ thực hiện 439 mô hình, chương trình, dự án, trong đó có nhiều mô hình, dự án của các HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị chế biến, bảo quản nông sản. Các mô hình, dự án đều được đánh giá đem lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 – 2025”. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tham mưu chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, trong đó dự kiến có nội dung về hỗ trợ cơ giới hóa (máy móc, thiết bị, hệ thống thiết bị thuộc danh mục máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp của tỉnh). Khi chính sách được thông qua, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức triển khai thực hiện.

Về nội dung trên tham khảo, thực hiện theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể HTX giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 118/NQ-HĐND phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.

          (2) Phát triển mạnh các trang trại nuôi Dê, Hươu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Dê, Hươu: Theo Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 02/6/2021 về Kế hoạch thực hiện chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 về việc Ban hành đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 -2025. Trong đó, xác định: Đối tượng chăn nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, bò; đối tượng đặc thù, đặc sản có lợi thế là dê, hươu, con nuôi đặc sản gắn với du lịch, dịch vụ và các vùng tiểu sinh thái. Cụ thể:

+ Đối với đàn dê: Phát triển đàn dê theo các hướng: Hướng chuyên thịt, phát triển đàn dê ngoại, dê lai: Boer, Bách Thảo để nâng cao tầm vóc và sản lượng thịt ở các vùng đồi núi, bán sơn địa có độ dốc thấp như Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô.

Hướng bảo tồn và phát triển đàn dê cỏ địa phương, tạo sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, gắn với điều kiện địa hình hiểm trở, đồi núi dộ dốc cao phù hợp với đặc tính leo chèo, chịu đựng kham khổ của đàn dê cỏ như Hoa Lư, Gia Viễn; Tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu phát triển đàn dê sữa gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến mục tiêu từng bước đáp ứng được nhu cầu du lịch ẩm thực.

+ Đối với đàn hươu: Hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi và định hướng xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nhung hươu tại xã Cúc Phương và Phú Long, huyện Nho Quan theo hình thức THT, HTX, từng bước chế biến sản phẩm nhung hươu để bảo quản, phát triển thị trường.

- Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 23.000 con dê, 2.500 con hươu, các trang
trại chăn nuôi dê quy mô vừa tập trung ở các địa phương như: xã Đông Sơn, Yên Sơn, TP Tam Điệp; xã Ninh Hòa, Ninh Giang, huyện Hoa Lư…quy mô từ 200 -1.000 con/Doanh nghiệp, HTX. Các THT, HTX nuôi hươu quy mô từ 250 -500 con tập trung ở xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp; xã Phú Long, Cúc Phương, huyện Nho Quan.

- Đối với việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi dê gắn với chế biến sản phẩm từ dê. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện.

(3) Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đủ sức thu mua các sản phẩm thủy sản của toàn tỉnh: Theo Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Đề án Phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 – 2025, theo đó “Dự án chế biến thủy sản” tại huyện Kim Sơn, qui mô 5 ha vào Danh mục dự án nông nghiệp ưu đãi, khuyến khích đầu tư giai đoạn 2022-2025.

Đối với các tổ chức/cá nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh Ninh Bình luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

          11. HTX nông sản và Du lịch Tam Điệp, số nhà 246, tổ 13, phường Bắc Sơn, TP Tam Điệp đề nghị: Đẩy mạnh thủ tục, cho thuê rừng làm du lịch sinh thái, giải trí.

Về nội dung này tham khảo và thực hiện theo Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

          12. Ông Nguyễn Hưng Vĩnh, Công ty TNHH Thanh An có ý kiến: Lĩnh vực trồng cây vụ đông phục vụ chế biến hiện nay đang bị thu hẹp, dẫn đến thiếu nguyên liệu (cụ thể là ngô ngọt) cho chế biến. Rất mong được xây dựng mương máng + thủy lợi nội đồng.

Về nội dung này Sở Nông nghiệp và PTNT xin được trả lời như sau:

Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, phát triển thủy lợi nhỏ thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm thực hiện theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ

- Nội dung tưới tiêu phục vụ cho 18 ha cây vụ đông (cây ngô ngọt): Qua kiểm tra, rà soát đây là diện tích khoảng 18 ha tại trại giống Khánh Nhạc, Công ty TNHH Thanh An thuê lại của Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình. Diện tích 18 ha này nằm trong vùng tạo nguồn tưới tiêu (30ha) Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng tưới tiêu tạo nguồn thủy triều với Công ty TNHH MTVKTCTTL tỉnh. Đây là diện tích nằm trong vùng tạo nguồn của Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh nên luôn đảm bảo nguồn nước để Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình dùng máy bơm của Công ty để bơm tưới cho cây trồng.

13. HTX thủy sản Gia Hòa huyện Gia Viễn đề nghị: tỉnh cần ban hành chính sách cụ thể đối với vùng đất canh tác lúa kém hiệu quả cho chuyển đổi mục đích sản xuất sang chuyên nuôi trồng thủy sản cho phép xây dựng đào đắp, lán trại để phục vụ cho nuôi trồng và sản xuất; cho phép HTX nuôi trồng thủy sản quản lý và điều hành các diện tích nuôi trồng thủy sản đã được chuyển đổi.

Vấn đề HTX nêu trên thuộc trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất, căn cứ điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 57; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 59, Luật Đất đai 2013

Đề nghị HTX Thuỷ Sản Gia Hoà liên hệ với UBND huyện Gia Viễn và cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý về đất đai để được hướng dẫn giải quyết.

14. Ông Đinh Văn Tính, HTX Dịch vụ NTTS đề nghị: Hỗ trợ cách chế biến và bảo quản sản phẩm, xúc tiến thương mại, xử lý môi trường và hỗ trợ trang thiết bị sơ chế.

- Hỗ trợ cách chế biến và bảo quản sản phẩm: Với mỗi sản phẩm thực phẩm khác nhau sẽ có quy trình chế biến khác nhau, là bí quyết công nghệ của mỗi đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quy trình sản xuất cho riêng mình các đơn vị nên tham khảo những kiến thức chung về chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, 1 số tài liệu tham khảo như: Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch – tác giả: Trần Văn Chương, NXB Lao động – Xã hội; Giáo trình bảo quản nông sản – ThS.Nguyễn Mạnh Khải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Giáo trình bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch – trường cao đẳng cộng đồng Lào Cai qua trang Web: https://tailieu.vn/doc/giao-trinh-bao-quan-che-bien-nong-san-sau-thu-hoach-nghe-trong-trot-truong-cd-cong-dong-lao-cai-2424292.html; Các tài liệu khác liên quan đến bảo quản và chế biến nông sản tại trang Web:http://tailieuso.ntt.edu.vn/tag/bao-quan-che-bien-nong-san.html; Công nghệ chế biến thủy sản – ThS.Phan Thị Thanh Quế, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng – Đại học Cần Thơ; Kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản – tác giả Trần Thị Yên – Đại học Quảng Bình; Giáo trình công nghệ chế biến thủy sản – tác giả Trịnh Ngọc Hân, NXB Sư phạm kỹ thuật; Các tài liệu liên quan đến bảo quản và chế biến thủy sản tại trang Web: http://thuvienso.vlute.edu.vn/tag/che-bien-thuy-san.html.

          - Về xúc tiến thương mại phát triển thị trường: Hiện nay, các chính sách đầu tư hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường nông sản được quy định tại một số văn bản: Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 03/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Ninh Bình; Quyết định 2688/QĐ-UBND ngày 18/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị Quyết số 215/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về một số chính sách xây quy chuẩn, tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 385/KH-UBND ngày 22/10/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Trong thời gian qua, Sở triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, phát triển thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, bao gồm: thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường đầu ra; liên kết, kết nối để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phân phối, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh như hội thảo, hội trợ, hội thiqua đó góp phần kết nối, ký kết hợp tác với các đơn vị ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm; tạo vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy sản xuất ….

          - Về xử lý môi trường: Mỗi quy trình sản xuất có các cách xử lý môi trường khác nhau. Đề nghị cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt và liên hệ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình thuộc sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn theo đúng quy định.

- Chính sách hỗ trợ trang thiết bị trong sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm: Các chính sách đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản được quy định tại một số văn bản: Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 759/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2020 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021– 2025; Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

          15. HTX Dược liệu, xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn đề nghị:

- Chủ trương giải tán các HTX chưa có mã số thuế từ đầu mà các HTX trên địa bàn huyện Kim Sơn đang có hướng dần tự giải thể hoặc sẽ bị cưỡng chế vì HTX chúng tôi là mô hình trồng trọt và sơ chế trên cơ sở tham gia tự nguyện, hỗ trợ sản xuất lẫn nhau để tiêu thụ sản phẩm không có trụ sở, không được vay vốn của nhà nước. Đề nghị Sở giải thích về vấn đề này để chúng tôi hiểu.

- Kết nối với các Công ty dược để tiêu thụ trực tiếp sản phẩm cho HTX (như: Bạch chỉ, Trạch tả, Bồ công anh).

 (1) Kết nối với các Công ty dược để tiêu thụ trực tiếp sản phẩm cho HTX: Đề nghị HTX liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại để được hướng dẫn kết nối theo địa chỉ Phố 7, Thị trấn Yên Ninh, Huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Ông Phạm Đăng Nam-Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại; số điện thoại: 0879.181.979, Hotline: 0358.11.62.62.

          (2) Chủ trương giải tán các HTX chưa có mã số thuế từ đầu mà các HTX trên địa bàn huyện Kim Sơn đang có hướng dần tự giải thể hoặc sẽ bị cưỡng chế vì HTX chúng tôi là mô hình trồng trọt và sơ chế trên cơ sở tham gia tự nguyện, hỗ trợ sản xuất lẫn nhau để tiêu thụ sản phẩm không có trụ sở, không được vay vốn của nhà nước.

Căn cứ các văn bản: Văn bản số 417/UBND-VP3, ngày 27/9/2021 của
UBND tỉnh Ninh Bình về việc tổ chức lại các Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã
năm 2012, Văn bản số 738/VPUBND-VP3 ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh
Ninh Bình về việc hướng dẫn xử lý Hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Theo Hướng dẫn tại Tiểu mục 2.7 của Văn bản số 6563/BKHĐT-HTX,
ngày 28/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xử lý HTX
không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật
Hợp tác xã năm 2012 thì:“HTX không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã sẽ bị thu hồi hợp tác xã theo quy định tại Điều 56 Luật Hợp tác xã năm 2012 và thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định tại khoản 2, Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012; khoản 2 Điều 19 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013”.

- Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 54 của Luật HTX năm 2012 thì HTX có thể giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc. Trường hợp giải thể bắt buộc, được quy định tại Khoản 2, Điều 54 của Luật HTX năm 2012 như sau:

“Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên
thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;

d) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;

đ) Theo quyết định của Tòa án.”

- Theo quy định tại Khoản 6 Điều 56 Luật HTX năm 2012, Hợp tác xã bị
thu hồi giấy chứng nhận đăng ký khi không đăng ký mã số thuế trong thời hạn
01 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Như vậy, nếu HTX Dược liệu xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thì có thể sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký và phải giải thể bắt buộc.

          16. HTX Nấm và dược liệu Khánh Công xã Khánh Công huyện Yên Khánh đề nghị: Xin cấp đất làm trụ sở văn phòng giao dịch và làm kho bảo quản nông sản thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc phục vụ sản xuất sau thu hoạch.    

-  Về nội dung xin cấp đất làm trụ sở văn phòng giao dịch và làm kho bảo quản nông sản thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch, đề nghị HTX liên hệ với UBND xã Khánh công, để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.

- Về hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc phục vụ sản xuất sau thu hoạch: Đề nghị HTX tham khảo thực hiện theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể HTX giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 118/NQ-HĐND phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1