Tận tụy, sáng tạo của
hàng vạn cán bộ, chiến sỹ
Ngày 1/7/2021, Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng trong thời gian khẩn trương,
quyết liệt chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công
dân Việt Nam được số hóa. Dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc, là một trong
các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi mà các hoạt
động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân là trung
tâm. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt
trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh COVID-19, qua
đó thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Công an, thật sự tạo dấu ấn cho người
dân, xã hội. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh
cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ
cấp căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho
công dân.
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc tại cuộc đối thoại
Nhìn lại dấu mốc này,
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong gần 2 năm qua, có thể nói lực lượng
CAND đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp CCCD. Đây là những
công việc chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó
khăn, trở ngại; nhưng với sự quyết tâm của toàn lực lượng 2 dự án đã về đích
đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng
Nguyễn Duy Ngọc, có rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ chiến dịch
này, từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của
các bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng tình ủng hộ
của người dân... Nhưng điều đáng nhớ nhất, theo đồng chí Thứ trưởng,
đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, cống hiến của hàng
vạn cán bộ, chiến sỹ Công an trên khắp mọi miền của cả nước không quản ngày
đêm, khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ
liệu dân cư, cấp CCCD... Tất cả đều cùng nhau thống nhất nhận thức, hành
động: "Chúng tôi coi đây là “trách nhiệm và danh dự” của lực lượng
CAND, để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước trong thời kỳ mới"- Thứ
trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc thông tin về dữ liệu dân cư
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc nêu rõ, Bộ Công an cũng đã nhận được sự chung tay góp sức của người dân và
các doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng để Bộ Công an hoàn
thành xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản
xuất, cấp và quản lý CCCD.
Có thể nói, người dân
trên khắp cả nước đã rất nhiệt tình tham gia cung cấp thông tin, tham gia làm
CCCD không quản ngày đêm, ủng hộ giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành
nhiệm vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như: VNPT, Tecapro, Gtel ICT...
đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc xuyên
suốt của hệ thống là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay,
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng bảo đảm theo đúng
các tiêu chí nêu trên, sẵn sàng cao nhất phục vụ người dân và xã hội.
Đề án 06 xác định 7
quan điểm chỉ đạo lớn
Ngày 6/1/2022, Thủ
tướng Chính phủ đã chính thức kí, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt
“Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử
phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”
(Đề án 06). Tiếp sau "tài nguyên gốc cho chuyển đổi số"… Đề án có phạm
vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và lĩnh vực.
Thứ trưởng Nguyễn
Duy Ngọc nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo
lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là: (1) Ứng dụng dữ liệu dân
cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến,
trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; (2)
Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Ứng dụng phục vụ xây dựng công
dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm
giàu dữ liệu dân cư; (5) Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các
cấp. Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với
các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.
Tấm thẻ toàn năng của
CCCD
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc cho hay, theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được
tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người
dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực
hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện.
Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể
sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế.
Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh
xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng
của người dân trên các lĩnh vực.
Ngoài ứng dụng nổi bật
với thẻ CCCD gắn chip, mới đây, ngày 25/2, Bộ Công an đã thực hiện cấp
thêm tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD, điều
này giúp gia tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính
công trên môi trường online. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngoc
cho biết, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ mang
lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực
tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử.
Bộ Công an đang
xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử
(hoàn thành trong tháng 5/2022), tạo cơ sở pháp lý để người dân sử dụng định
danh điện tử trên các lĩnh vực; đồng thời, ngành Công an đang triển khai cấp
định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc, trước mắt ưu tiên cấp
cho những người làm CCCD, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên, những
người được hưởng chính sách an sinh xã hội... để xác thực phục vụ ngay các kỳ
thi sắp tới và việc triển khai các gói an sinh xã hội của Chính phủ.
Bảo đảm an ninh, an
toàn hệ thống
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc khẳng định, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu cá
nhân là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt mà Bộ Công an luôn quan
tâm chỉ đạo quá trình xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, đây là một thách
thức không nhỏ. "Chúng tôi đã có những giải pháp, quy trình rất cụ thể
được quán triệt thực hiện nghiêm túc từ Trung ương tới cơ sở; các đơn vị nghiệp
vụ của Bộ Công an cũng thường xuyên theo dõi, triển khai các giải pháp để thực
hiện tốt các yêu cầu này"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy
Ngọc nêu rõ, tinh thần chính của Đề án 06 là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân
tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Vì
vậy, Bộ Công an sẽ trước sau như một, bám sát tinh thần này, làm một cách quyết
liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ
đã thành lập Tổ công tác triển khai đề án do đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an làm
Tổ trưởng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham gia. Tổ công tác sẽ làm việc trực
tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong
quá trình thực hiện.