UBND Xã Lạc Vân

1. Điều kiện tự nhiên:

- Vị trí địa lý: Xã Lạc Vân tiếp giáp thị trấn Nho Quan, cách huyện lỵ Nho Quan 2km. Phía Đông giáp xã Đức Long, phía Bắc giáp xã Gia Tường, phía Tây, Tây Bắc giáp xã Phú Sơn, phía Tây Nam giáp sông Lạng, phía Đông Nam giáp xã Thượng Hòa.

- Địa hình: Lạc Vân là xã có nhiều núi đá vôi, có nhiều hang động đẹp như: Hang Hao, Hang Bạch (Hiền Quan), Hang Vàng, Hang Luồn Thung Thuyền (Vô Hốt). Đất đai Lạc Vân hình thàn 02 vùng rõ rệt, vùng một có lợi thế trồng lúa và cây công nghiệp hoặc 02 vụ lúa, 01 vụ mầu, vùng hai là vùng chiêm trũng có lợi thế trồng lúa, một số khu đồng thả cá, chăn nuôi thủy cầm. Giữa xã có con sông dài 02km là nơi cung cấp nước cho cây trồng và thực phẩm (cua, cá) cho nhân dân địa phương. Đất đai, sông núi khá phong phú và đa dạng, đây là điều kiện thuận lợi để xã Lạc Vân phát triển kinh tê.

Lạc Vân là một xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện. Trước kia độ che phủ rừng đầu nguồn cao, mưa nước lũ về chậm, độ ngập úng thấp, ngày nay rừng đầu nguồn cạn kiệt do con người và thiên tai tàn phá, độ che phủ thấp, khi mưa nước lũ về nhanh, nạn úng lụt diễn ra thường xuyên. Khi lũ sông Lạng lên tới đỉnh +4m toàn xã ngập chìm trong nước.

- Đặc điểm đơn vị hành chính: Xã Lạc Vân diện tích tự nhiên 868,62 ha, trong đó: Diện tích đất ở là 36,25ha và diện tích đất sản xuất là 511,48 ha. Xã Lạc Vân có 1.511 hộ, với 5.656 nhân khẩu, trong đó số dân theo đạo công giáo chiếm 32% dân số toàn xã.

Xã Lạc Vân gồm 3 dân tộc: Dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Tày. Dân tộc kinh chiếm 99,9%, dân tộc Mường, dân tộc Tày chiếm 0,1%, sống tập trung thành quần thể làng xóm. Ngành nghề chính của dân Lạc Vân là nông nghiệp: Cấy lúa nước, trồng ngô, khoai... Hiện nay, toàn xã được chia làm 10 đơn vị thôn.

2. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương

a) Tên gọi của xã trong kháng chiến và hiện nay:

Trải qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, xã Lạc Vân hiện nay có nhiều tên gọi khác nhau. Trước cách mạng tháng 8/1945 vùng đất này thuộc tổng Vô Hốt, huyện Yên Hóa, Lạc Vân là một trong những địa danh thuộc tổng Vô Hốt gồm 05 xã: Vô Hốt, Thượng Lạc, Hiền Quan, Tứ Mỹ, Hoài Ân. Xã Vô Hốt, có làng Vô Hốt gồm Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3, Xóm 4; xã Thượng Lạc có làng Thượng Lạc gồm Lạc 1, Lạc 2; xã Hiền Quan có làng Hiền Quan (nội), Hiền Quan (ngoại), Làng Đìa; xã Tứ Mỹ có làng Tứ Mỹ. xã Hoài Ân có làng Hoài Ân gồm có: Đồng An, Tràng An, Bè Mật, Mống. Sau cách mạng tháng 8/1945 xã có tên là Bồng Sơn (12/1945). Ngày 27/4/1977 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 125 về việc hợp nhất huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan thành huyện Hoàng Long. Xã Lạc Vân thuộc huyện Hoàng Long. Ngày 09/4/1981 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 151 về điều chỉnh địa gới huyện Hoàng Long, tách 20 xã phía Đông Bắc huyện Hoàng Long để tái lập huyện Gia Viễn và thành lập huyện Hoàng Long mới. Xã Lạc Vân thuộc huyện Hoàng Long. Ngày 23/11/1993 Chính phủ ra Quyết định số 88 về việc đổi tên huyện Hoàng Long thành huyện Nho Quan. Xã Lạc Vân thuộc huyện Nho Quan.

Tên gọi ngày nay: Xã Lạc Vân, huyện Nho quan, tỉnh Ninh Bình

b) Lịch sử, truyền thống văn hóa:

Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời tạo nên một bước ngoặt lịch sử mới đối với dân tộc. Tháng 12/1945 Huyện ủy, UBND huyện Nho Quan chỉ đạo sát nhập 05 xã: Vô Hốt, Thượng Lạc, Hiền Quan (Hiền Quan ngoại về Đức Long), Tứ Mỹ, Hoài Ân thành xã mới lấy tên là xã Bồng Sơn. Xã Bồng Sơn gồm 13 thôn (xóm) gồm: Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3, Xóm 4, Xóm Lạc 1, xóm Lạc 2, Hiền Quan nội, Đìa (nay là Cẩm Địa), Tứ Mỹ, Đồng An, Tràng An, Bè Mật, Mống và cử ra Ủy ban nhân dân lâm thời 5 ủy viên gồm Nguyễn Văn Bích, kê Toàn Thắng, Quách Văn Việt, Vũ Văn Liên, Nguyễn Văn Khang. Ông Nguyễn Văn Bích được cử làm Chủ tịch.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Nho Quan, xã Bồng Sơn quán triệt nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố, xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang trong nhân dân, động viên thanh niên tham gia vệ quốc, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống đói, tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Đứng trước tình hình thực dân pháp xâm lược, nhiệm vụ mới và yêu cầu của lực lượng cách mạng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng trong mọi lực lượng quần chúng ở Bồng Sơn. Theo đề nghị của đồng chí Trần Văn Tiêu và đồng chí Nguyễn Văn Tuấn cán bộ Huyện ủy Nho Quan cử về chỉ đạo phong trào ở Bồng Sơn (từ tháng 4 đến tháng 7/1947). Quá trình tuyên truyền, bồi dưỡng, thử thách trong cán bộ chủ chốt, đã lựa chọn những quần chúng tiêu biểu có khả năng lãnh đạo, thu phục được quần chúng và đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng 5 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng đầu tiên gồm Trương Văn Ngật, Trương Văn Đố, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Khiêm, Quách Thụy Sỹ.

Thực hiện Quyết định của Huyện ủy Nho Quan, tháng 10/1947 hội nghị lập chi bộ Đảng xã Bồng Sơn được tổ chức, đồng chí Quách Thụy Sỹ được bầu làm Bí thư chi bộ. Chi bộ xã Bồng Sơn ra đời đã bắt tay vào lãnh đạo nhân dân trong xã cùng với nhân dân trong huyện kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 10/1947 Đại hội chi bộ xã Bồng Sơn lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1947 - 1948 được tổ chức tại nhà ông Trương Văn Nhật - Xóm 2 (nay là Xóm 3 xã Lạc Vân). Đại hội đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống đói, củng cố, xây dựng dân quân, du kích, bảo vệ trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu chi viện sức người, sức của cho kháng chiến. Đại hội bầu đồng chí Quách Thụy Sỹ làm bí thư chi bộ.

Thực hiện chủ trương của cấp trên, đầu năm 1948 Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bồng Sơn được đổi tên là Ủy ban kháng chiến hành chính. Tháng 01/1948 chi bộ ra Nghị quyết xây dựng Chi bộ ra Nghị quyết xây dựng làng kháng chiến chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Ủy ban kháng chiến hành chính xã chọn Xóm 3 (nay là Xóm 4) thôn Vô Hốt xây dựng làng kháng chiến và lãnh đạo, động viên nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công xây dựng làng kháng chiến được nhân dân các thôn (xóm) trong xã hưởng hướng thực hiện. Trong 02 tuần lễ nhân dân đã đào trên 400m hầm hào, góp hàng ngàn cây tre, rào trên 200m rào kiên cố. Công việc này được giao cho lực lượng dân quân, du kích đảm nhiệm. Nhân dân trong làng kháng chiến được xã tổ chức học tập cứu thương, tải thương, sau đó phân công thành tổ cứu thương, tổ tải thương, tổ tiếp tế lương thực phục vụ dân quân, du kích trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu.

Hội phụ nữ xã ngày đêm tuyên truyền, vận động, thành lập mẹ chiến sỹ tại thôn Vô Hốt, có 35 người tham gia. Mặc dù mới thành lập, Hội mẹ chiến sỹ hoạt động rất tích cực, như tổ chức quán nước miễn phí tại ngã ba Điếm Hốt, quán nước của Hội mẹ chiến sỹ hoạt động chủ yếu vào ban đêm phục vụ bộ đội hành quân. Hội vận động nhan dân nhường nơi ăn, nghỉ khi bộ đội về làng và quyên góp hàng trăm kg rau xanh ủng hộ bộ đội, cải thiện bữa ăn, tổ chức vá quần áo chiến sỹ, chăm sóc bộ đội yếu đau, nhận các chiến sỹ làm con.

Cuối năm 1948 Đại hội chi bộ Đảng xã Bồng Sơn lần thứ 2, nhiệm kỳ 1948 - 1949 được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Khiên - Xóm 2 (nay là Xóm 3 xã Lạc Vân). Đại hội đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống đói, củng cố lực lượng dân quân du kích, sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho kháng chiến. Đại hội bầu ra chi Ủy gồm 03 ủy viên, đồng chí Quách Thụy Sỹ được bầu lại làm bí thư chi bộ.

Ngày 07/12/1948 Thực dân Pháp cho một cánh quân từ Ba Cửa (Hòa Bình) tấn công vào xã Lạc Hồng (nay là xã Thạch Bình, Phú Sơn), xã Bồng Sơn (nay là xã Lạc Vân) càn quét, đi đến đâu bọn giặc gây tội ác, cướp của, đốt nhà, bắt, giết, hãm hiếp phụ nữ. Chiều cùng ngày địch càn vào Xóm 3 (Làng kháng chiến) chúng sục sạo, cướp đoạt của cải của nhân dân, nhưng chúng đã vấp phải ổ phục kích của tổ du kích Đinh Văn Tiếp do xã đội trưởng Bùi Văn Đức chỉ huy đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rút quân. Sáng 8/12/1948 giặc pháp càn xuống Thượng Lạc, Hiền Quan, Đìa, Tứ Mỹ sau đó chúng hành quân sang Hang Bạch, sang Đức Long.

Tháng 4/1949 thực hiện chủ trương của cấp trên 27 xã của huyện Nho Quan sáp nhập thành 10 xã: Đức Long, Lạc Hồng, Bồng Sơn (trừ thôn Hoài Ân sáp nhập vào xã Lạng Phong) hợp thành xã mới lấy tên là xã Lạc Long, sau khi sắp xếp lại tổ chức,chi Bộ mở hội nghị triển khai nhiệm vụ và công bố cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong xã. Đồng chí Quách Thụy Sỹ được cử làm bí thư chi bộ, ông Nguyễn Văn Hoàn làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Chi bộ Đảng xã Lạc Long tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong xã cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947 của dân quân ta, chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của Thực dân pháp bị thất bại, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, đầu năm 1949 chúng vạch ra kế hoạch mở rộng địa bàn, chiếm đóng ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.

Thực hiện kế hoạch đó, tháng 3/1949 giặc Pháp liên tiếp mở nhiều đợt tấn công lấn chiếm rộng ra vùng Đồng Bằng và Trung du Bắc Bộ, tập trung đánh phá khu căn cứ kháng chiến của ta. Tăng cường càn quét, bắt người, cướp của để nuôi chiến tranh. Trước âm mưu mới của địch, tháng 8/1949 Tỉnh ủy Ninh Bình nhận định Kỳ này giặc Pháp chiếm Ninh Bình có thể cả bằng đường thủy đánh vào Phát Diệm và đường không nhảy dù xuống nhiều nơi có điều kiện thuận lợi như: Yên Mô, Nho Quan. Tỉnh ủy Ninh Bình phát động chiến dịch “Ngô, khoai, sắn” và đẩy mạnh phong trào luyện tập quân sự, vận động thanh niên tòng quân phục vụ chiến đấu, động viên nhân tài, vật lực cho kháng chiến.

Thực hiện phát động của cấp trên chi bộ Đảng xã Lạc Long họp khẩn trương triển khai chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân trong xã phân tán tài sản, cất giấu lương thực, thực hiện “vườn không, nhà trống”, đào hầm trú ẩn, củng cố lực lượng dân quân du kích, luyện tập quân sự, vận động nhân dân tòng quân đi dân công phục vụ tuyền tuyến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chú trọng “Ngô, khoai, sắn”, chi viện sức người, sức của cho kháng chiến đã mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng khu vực Bồng Sơn (Lạc Long) hầu hết các gia đình đã làm song việc phân tán tài sản, cất giấu thóc gạo, 95% gia đình có hầm hố trú ẩn, nhân dân đào trên 200 hố trên dọc đường 12B (477) từ Ba Trạ đến bến đò Hốt, 90 đội viên dân quân du kích tập quân sự, 40 thanh niên tòng quân, 04 người ra nhập thanh niên xung phong, 35 người đi dân công vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, nông dân cấy 958 mẫu lúa, trồng 100 mẫu rau màu và bỏ ra hàng trăm ngày công đắp đập, giữ nước, chống hạn...

Tháng 10/1950 chi bộ xã Lạc Long tổ chức Đại hội chi bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1950 - 1951. Đại hội bầu ban chi ủy gồm 06 ủy viên, đồng chí Quách Thụy Sỹ bầu làm bí thư chi bộ. Trong thời gian nay nhân dân Lạc Long tích cực thi đua lao động sản xuất, trưa ngày mùng 1 tết năm Tân Mão (1951) thực dân Pháp dã tâm cho 05 máy bay thả bom xuống Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3 (nay là Xóm 4) và thôn Hoài Ân (nay là Bình An) làm chết 08 người, bị thương 03 người, phá hủy 21 nóc nhà. Tháng 12/1951 địch tung biệt kiết (ban đêm) lên Đẹn Hốt chúng giết ông Hy, đâm trọng thương ông Nguyễn Văn Nhâm trên đường đi công tác. Ngày 26/121952 Hội nghị chiến sỹ thi đua tỉnh Ninh Bình họp tổng kết phong trào thi đua và biểu dương thành tích của các đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ông Phạm Văn Ấp được hội nghị biểu dương có nhiều thành tích trong phong trào tăng gia sản xuất, khai hoang, phục hóa, ông được công nhận là chiến sỹ thi đua cơ sở.

Đầu năm 1953 chi bộ Đảng xã Lạc Long tổ chức Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 1953 - 1954. Đại hội bầu Ban chi ủy gồm 09 ủy viên, đồng chí Quách Thụy Sỹ được bầu làm bí thư chi bộ.

Ngày 25/8/1953 Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo quân dân trong tỉnh chuẩn bị chống càn. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Huyện ủy Nho Quan, nhân dân Lạc Long khẩn trương củng cố lực lượng dân quân, du kích, công tác phòng gian, giữ bí mật ở thôn (xóm) được đề cao. Ủy ban kháng chiến hành chính xã chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân sơ tán tài sản, cất dấu lương thực, tản cư người già, trẻ em, dân quân, du kích tiếp tục tập luyện quân sự, xã đội bổ sung phương án chiến đấu. Lúc này khu vực Bồng Sơn (Lạc Long) đã củng cố và biên chế đủ 5 tiểu đội dân quân và 01 trung đội du kích, tổng số lên gần 80 người.

Tháng 12/1953 thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Lạc Vân tách thành 03 xã: Đức Long, Lạc Hồng, Lạc Long mới (nay là xã Phú Sơn, Lạc Vân).

Tháng 3/1954 chi bộ xã Lạc Long (mới) họp Đại hội, nhiệm kỳ 1954 - 1955 tại nhà ông Thơ Giản (xóm 3, Châu Sơn). Đại hội bầu chi ủy gồm 09 ủy viên, đồng chí Vũ Mạnh Tường được bầu làm bí thư kiêm Chủ tịch UBHC xã, đồng chí Hoàng Văn Cầu giữ chức Phó Bí thư.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Nho Quan, chi bộ Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính xã Lạc Long tập trung lãnh đạo nhân dân trong xã dốc sức, dốc lực vào tổng cuộc tiến công quyết đánh thắng thực dân Pháp. Mặt trận Điện Biên Phủ  giữa ta với địch diễn ra cực kỳ quyết liệt. Với khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Các thôn (xóm) đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố, xây dựng lực lượng dân quân, du kích, vận động thanh niên tòng quân, sẵn sàng đi dân công, vận chuyển vũ khí, lương thực ra mặt trận. Khu vực Bồng Sơn (Lạc Long) có 38 thanh niên tòng quân, 60 người và trung đội xe thồ do ông Đinh Văn Nghệ phụ trách lên đường

Thực hiện đợt phát động của Tỉnh ủy ngày 14 đến ngày 21/9/1954, xã Lạc Long thành lập Ban chống địch cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam do bí thư chi Bộ Vũ Mạnh Tường làm trưởng ban và phân công cán bộ, đảng viên có trình độ và uy tín về các thôn (xóm) xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng đấu tranh với địch, chăm lo đời sống cho nhân dân. Lúc này ở khu vực Bồng Sơn (Lạc Long) đã có 05 hộ, 13 khẩu nghe theo địch chốn di cư vào Nam và một số hộ gia đình đã và đang bán tài sản chuẩn bị di cư vào Nam. Cán bộ, đảng viên được phân công bám sát tuyên truyền, thuyết phục. Kết quả có 14 hộ, 58 khẩu không nghe theo địch ở lại quê hương làm ăn.

Từ cuộc đấu tranh, vận động này, đồng bào công giáo cũng hiểu về cách mạng, tình đoan kết lương giáo được nâng lên, giáo dân yên tâm hăng hái cùng nhân dân xóm, làng ra sức tăng gia sản xuất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương, chiến tranh, xây dựng quê hương.

Cuộc chiến tranh chống thực dân pháp thắng lợi. Cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn mà nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu là: Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân xã nhà vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh đã giành được nhiều thành tích và đã xây dựng những trang lịch sử thực sự bằng mồ hôi, trí tuệ và cả xương máu. Trong những chặng đường đó, Đảng bỗ xã đã hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.

Hiện nay xã Lạc Vân được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 08 mẹ, có 123 liệt sỹ. Ngoài ra còn được tặng nhiều các hình thức: Huân chương, Huy chương... các loại.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: “Kinh tế tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; năng xuất lúa phấn đấu năm sau cao hơn năm trước; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt”.

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Lạc Vân đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.

Đinh Hoàng Minh 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1