UBND Xã Lạng Phong


 I. Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội.

1. Đặc điểm địa lý

Xã Lạng Phong là xã có địa hình vùng bán sơn địa thuộc huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là xã nằm tiếp giáp trung tâm kinh tế, chính trị của Huyện Nho Quan.

Từ năm 1986 đến năm 2013 xã Lạng Phong điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 6/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính xã để mở rộng thị trấn thuộc huyện Nho Quan và huyện Gia viễn, tỉnh Ninh Bình, trong đó điều chỉnh 46,24 ha diện tích tự nhiên và 661 nhân khẩu của xã Lạng Phong về thị trấn Nho Quan quản lý.

Đến nay toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 440,71 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 217,18 ha. Toàn xã có 9 thôn với 1.001 hộ, 3.495  nhân khẩu; Đảng Bộ Lạng Phong có 13 chi bộ với 228 đảng viên, trong đó có 9 chi bộ thôn, 1 chi bộ cơ quan xã, 3 chi bộ trường học. Địa hình tự nhiên phía Đông giáp xã Thượng Hòa, phía tây giáp thị trấn Nho Quan, phía Nam giáp xã Văn Phong, bắc giáp sông Lạng và xã Lạc Vân.

Hàng năm HTX nông nghiệp xã đã đáp ứng tốt yêu cầu về dịch vụ tưới, tiêu, cung ứng vật tư phân bón, giống lúa, thuốc BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đem lại năng suất cao cho nhân dân, tuy nhiên về hình thức tổ chức còn chưa phát triển về quy mô mới hình thành phát triển được một số mô hình như mô hình nuôi chim bồ câu và mô hình 01 lúa, 01 cá.

Toàn xã có 22,87 km đường giao thông, từ năm 2011 đến năm 2017 toàn xã có 3,16/3,16 km đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lện 100%; có 6,65/6,65 km đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt tỷ lệ 100%; có  6,36/6,36 km đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100%; có 6,7/6,7 km Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt tỷ lệ 100 %. Đến năm 2017 xã có 7,13 km kênh mương được kiên cố hoá.

Năm 2014 xã Lạng Phong là xã đầu tiên của huyện Nho Quan về đích xây dựng nông thôn mới;

Trong những năm qua trên địa bàn xã Lạng Phong tình hình kinh tế có bước phát triển, các ngành nghề dịch vụ phát triển tương đối toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố toàn diện, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên, nhân dân tin tưởng và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương.

2. Kinh tế xã hội

Về trồng trọt :

Tổng diện tích gieo trồng đất nông nghiệp kể cả 2 vụ là 395,18 ha.

Về chăn nuôi: 

Tổng Đàn trâu bò có 232 con, Trâu 64 con, Bò 168 con, Dê 85 con, Hươu 15 con. Lợn thịt 1408 co. Gia cầm 17.274 con..

Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 35 triệu đồng/người/năm.

 Trên địa bàn xã tổng số hộ làm công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại, dịch vụ là 112 hộ. trong đó: công nghiệp 30 hộ, xây dựng 6 hộ, vận tải kho bãi 19 hộ, thương mại 52 hộ, dịch vụ 5 hộ. Toàn xã có 2 máy múc, 20 ô tô, vận tải thuỷ 15 tàu, mày cày nhỏ 37 chiếc, máy vò lúa 6 chiếc, máy gặt liên hoàn 3 chiếc, máy cày công suất lớn 5 chiếc, máy xay sát 12 cái; xe ba gác 03 chiếc.

- Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, NH Nông nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân có vốn  phát triển kinh tế, ngoài ra còn tổ chức lớp tập huấn để hướng dẫn cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích.

Về văn hóa- xã hội

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại hiệu quả, việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện đúng quy định, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đến năm 2017 có 8/9 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 88,9 %, giữ gìn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong trào văn hóa thể dục thể thao phát triển. Đến nay các cấp học trên địa bàn xã bao gồm: Mầm Non, Tiểu Học, Trung học cơ sở” đều giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất của các nhà trường luôn được quân tâm sửa chữa, thay mới; trạm y tế đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2014; chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng. Toàn xã có 80 người thuộc đối tượng chính sách người có công, 180 đối tượng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2017 có 25 hộ tỷ lệ 2,56 %.

II. Truyền thống lịch sử và con người xã Lạng Phong.

Lạng Phong là xã thuần nông, sau khi cách mạng tháng 8 thành công, nhân dân Lạng Phong luôn nhiệt tình hưởng ứng tham gia các phong trào do Đảng và Nhà nước phát động, ngày 05/10/1967, trung đội thường trực chiến đấu 12 ly 7 xã Lạng Phong với 18 viên đạn bắn rơi tại chỗ một máy bay mỹ F8U, sau khi đất nước độc lập thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy và Quyết định 313 của UBND tỉnh về việc giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, đến năm 1996 xã Lạng Phong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâi dài cho 926 hộ nông dân yên tâm đầu tư khai thác có hiệu quả quỹ đất được giao, Năm 2003 thực hiện chủ trương của tỉnh xã đã tiến hành đồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt. Hoạt động dịch vụ có bước phát triển mới, các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng hơn trước. Trong 10 năm (1995-2005) xã tập trung chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển nhanh, xã đã chủ động lập các dự án tranh thủ nguồn vốn xây dựng của Trung ương, của tỉnh và của huyện, phát động nhân dân đóng góp năm 1995 xây dựng kiên cố hội trường UBND xã 300 m2, năm 1998, nâng cấp trạm biến áp của xã lên 180 Kwa cung cấp đủ điện sinh hoạt cho các thôn trong toàn xã, từ năm 1996, xây dựng 2 trạm biến áp treo phục vụ cho 3 thôn Đồng Đinh, Đồng An. Tràng An, đường dây hạ thế được nâng cấp 3 pha về hầu hết các cơ sở, ngày 22/8/1998, nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Lạng Phong được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2004 xây dựng xong 14 phòng học, phòng 2 tầng làm việc của giáo viên trường cấp II. Năm 2005 xây dựng hoàn chỉnh 12 phòng học, phòng 2 tầng làm việc cho giao viên trường Tiểu Học. Nhà trẻ mẫu giáo khu trung tâm được xây dựng lại. Giao thông nông thôn phát triển rất nhanh, năm 2013, rải nhựa đường trục xã dài 1,5  km từ năm 2001 đến năm 2003 đổ được 5,6 km đường bê tông liên gia liên thôn, kiên cố hóa kênh mương được 950 m. Đến năm 2005, có 8 thôn xây dựng nhà văn hóa. Đặc biệt đến năm 2005  xây dựng xong nhà bia ghi tên liệt sỹ của xã, đến nay toàn xã có tổng số có 02 di tích, 07 đình chùa được kiểm kê.

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lạng Phong đã đoàn kết thống nhất, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới được triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương tạo sự đồng thuận trong nhân dân, diện mạo của nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị được ổn định và giữ vững.

Đinh Hoàng Minh 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1