UBND Xã Gia Lâm


1. Điều kiện tự nhiên.

Xã Gia Lâm có địa hình vùng bán sơn địa nằm ở phía Bắc huyện Nho Quan - tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm Thị trấn Nho Quan 7 Km. Phía bắc giáp xã Gia Sơn; phía nam giáp xã Gia Tường; phía đông giáp xã Gia Thủy; phía tây giáp xã An Bình - huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Tổng diện tích tự nhiên: 893,72ha. Trong đó: Đất  nông nghiệp: 688,16ha; đất phi nông nghiệp: 196,1 ha; đất chưa sử dụng: 8,85ha.

Địa bàn xã có sông Na (sông Đập) nằm ở phía tây và phía nam xã, có dòng chảy quanh năm, đáp ứng nguồn nước tưới phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh của xã; có 02 hồ dự trữ nước, tưới cho diện tích cây trồng vùng hạ lưu; có tuyến đường Tỉnh lộ 479 chạy qua. Là xã có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu trung tâm xã, trường học, chợ… đã được qui hoạch và đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình, dự án khác qua nhiều năm đã gúp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Gia Lâm có 10 thôn, 1.554 hộ, với 5.696 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của xã những năm gần đây có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Năm 2015 xã Gia Lâm đã được UBND tỉnh Ninh Bình là xã về đích nông thôn mới.Tháng 01 năm 2018 xã Gia lâm được công nhận là xã An toàn khu.

Là xã vùng bán sơn địa ngoài đê Hoàng Long trong vùng xả lũ, hàng năm nhân dân trong xã thường phải sống chung với lũ. Thiên tai, mất mùa liên tiếp xẩy ra, cơ sở kinh tế hạ tầng còn thấp kém, công, thương nghiệp còn kém phát triển, ngân sách xã không có nguồn thu thường xuyên, hằng năm chủ yếu dựa vào trợ cấp của trên, điều kiện phát triển dân sinh, nâng cao trí thức của dân còn hạn chế.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng có những Nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng uỷ, HĐND và UBND xã. Cán bộ và nhân dân trong toàn xã đã phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, giành được kết quả tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: như cơ sở vật chất được tăng cường, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, công tác quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên; công tác văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.

2. Lịch sử, truyền thống của địa phương.

Đầu thế kỷ XIX, mảnh đất này (xã Gia Lâm) có tên gọi là xã Ỷ Na, xã Bất Xỉ,  xã Nga My đều thuộc tổng Đề Cốc;  xã Bất Một thuộc tổng Bất Một, huyện Yên Hóa, phủ Nho Quan, đạo Thanh Bình(1). Trước cách mạng tháng 8 - 1945 các xã Ỷ Na, Bất Xỉ, Nga My (tổng Đề Cốc), xã Bất Một (tổng Bất Một)  thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình(2).

Tháng 10 - 1945, xã Hợp Hòa được thành lập trên cơ sở xã Ỷ Na hợp nhất với các thôn Kim Đôi (xã Bất Xỉ), thôn Khả La (xã Bất Một), thôn Đề Thượng và thôn Đồng Sung (xã Đề Cốc, tổng Đề Cốc). Xã Hợp Hòa gồm 7 thôn: Ỷ Na, Đồng Phú, Kim Đôi, Khả La, Đề Thượng, Đồng Sung, Hạnh Phúc.

Tháng 9 năm 1949 xã Hợp Hòa hợp nhất với xã Thái Bình (gồm các thôn Nga My, Mỹ Hạ) và xã Ngọc Liên (gồm các thôn Ngọc Ba, Ngọc Nhị, Mai Xá) thành lập xã Gia Lâm (quy mô xã lớn).

Thực hiện quyết định số 454 - TC/NB  ngày 6 tháng 12 năm 1953 của ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình, xã Gia Lâm Bách gia thành lập 3 xã mới:  Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Sơn (đều thuộc huyện Gia Viễn). Thực hiện quyết định số 125/CP ngày 27 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng chính phủ 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn hợp nhất thành huyện Hoàng Long. Thực hiện quyết định số 151/CP ngày 9 tháng 4 năm 1981 của Hội đồng chính phủ, huyện Hoàng Long tách thành 2 huyện Hoàng Long và Gia Viễn. Xã Gia Lâm và 4 xã (Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Tường, Xích Thổ) tách khỏi huyện Gia Viễn sát nhập vào huyện Hoàng Long. Năm 1993, huyện Hoàng Long đổi tên là huyện Nho Quan (như trước đây).

Địa bàn xã Gia Lâm hình thành ba vùng đồi núi hiểm trở có nhiều hang động, là vùng có vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Nhiều cơ quan thuộc liên khu 3 tỉnh Ninh Bình và huyện Gia Viễn sơ tán về đây đóng trụ sở làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược.

Phía Bắc và phía Tây xã là miền núi cao Cổ Ngựa, Đồng Hang và miền đồi phẳng Đồng Tây, Long Sàng có độ cao 8 mét so với mặt nước biển. Phía Đông và Nam xã là miền đồng chiêm trũng (Kim Đôi);  phía Nam xã có dòng sông Na là ranh giới với xã Gia Tường chảy từ Lạc Thủy (Hòa Bình) đổ nước vào sông Bôi. Hàng năm về mùa mưa thường gây lũ lụt lớn, vụ chiêm mùa sản xuất nông nghiệp thu hoạch đều bấp bênh, không ăn chắc. Đường 59B (quốc lộ) chạy qua xã theo hướng Bắc - Nam dài 3,5 km.

Nghề nghiệp chính của người dân Gia Lâm là trồng lúa nước và chăn nuôi trâu, bò,  lợn, gà. Ngoài ra, có một số nghề khai thác lâm sản, mộc, nề. Do địa hình đa dạng nên xã Gia Lâm có thế mạnh phát triển kinh tế nhiều ngành nghề, sản xuất nhiều mặt hàng nhất là chăn nuôi gia súc có giá trị kinh tế cao.

Các phong trào thi đua lao động sản xuất “Diệt giặc đói”, học bình dân học vụ “Diệt giặc dốt”, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “Diệt giặc ngoại xâm”, củng cố chính quyền, ổn định đời sống trong những tháng cuối năm 1945 và năm 1946 của nhân dân xã Hợp Hòa giành được nhiều kết quả to lớn có ý nghĩa chính trị kinh tế, chính trị xã hội vô cùng quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi để chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Hợp Hòa thuộc vùng tự do. Hai năm 1947 - 1948, quân Pháp mở hàng chục cuộc càn lên vùng Gia Viễn, trong đó có một số thôn xóm thuộc xã Hợp Hòa nhằm phá hoại công binh xưởng và tiêu diệt lực lượng kháng chiến, uy hiếp tinh thần nhân dân ta.

Chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập và củng cố ngày càng vững chắc. Năm 1947, ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến hợp nhất thành ủy ban hành chính kháng chiến sau đổi thành ủy ban kháng chiến hành chính, ông Đinh Ngọc Đề làm chủ tịch. Các đoàn thể quần chúng cách mạng được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, tuy vậy tình hình kinh tế - xã hội của xã Hợp Hòa vẫn còn nhiều khó khăn. Các thôn xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đầu năm 1947, phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh. Xã Hợp Hòa có 4 quần chúng được kết nạp vào Đảng. Do yêu cầu của phong trào cách mạng và để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc ở địa phương ngày 6 tháng 3 năm 1947, huyện ủy Gia Viễn cử cán bộ về xã thành lập chi bộ Hợp Hòa gồm 5 Đảng viên. Chi bộ Đảng xã Hợp Hòa thành lập là sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của nhân dân địa phương, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng Hợp Hòa. Từ đây, phong trào cách mạng xã Hợp Hòa có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo ngày càng phát triển giành được nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: : Kinh tế tăng tr­ưởng khá và tiếp tục phỏt triển cơ sở vật chất đ­­ược tăng cường, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đ­ược giữ vững; công tác quốc phòng đ­ược củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tôt; công tác văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực.

- Nông, lâm, thuỷ sản: 44%.

- Dịch vụ, nghề phụ, tiểu thủ công nghiệp: 56%.

- Tổng bình quân/đầu người là 555kg thóc/1 đầu người.

- Thu nhập bình quân đầu người 30 triệu  đồng/người/năm .

- Tỷ lệ hộ nghèo: 3,6%.

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Gia LâmThành đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh.

Năm 2015 được UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua vi đã dẫn đầu trong phong trào thi đua của tỉnh; Danh hiệu thi đua tập thể lao động xuất sắc năm 2011 QĐ số 144 ngày 21/2/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; năm 2012 được CT UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ xã Gia Lâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua của tỉnh; Giấy khen cho nhân dân và cán bộ số 770 ngày 20/3/2015 của Chủ tịch UBND huyện Nho Quan đã hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thị đua giai đoạn 2010-2015;

 Đinh Hoàng Minh 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1