UBND Xã Quảng Lạc


I. Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội.

1. Đặc điểm địa lý

Xã Quảng lạc là xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cách thị trấn Nho Quan 20 km.

+ Phía Đông giáp xã Sơn Hà,

+ Phía Tây giáp xã Phú Long

+ Phía Nam giáp xã Yên Sơn, xã Quang Sơn, TP. Tam Điệp.

+ Phía Bắc giáp xã Quỳnh Lưu.

Xã Quảng Lạc có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.483,84 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 1200,15ha; đất phi nông nghiệp 192,92 ha. Đất chưa sử dụng 10,07; đất lâm nghiệp 661,80 ha. Với nguồn tài nguyên đất, Quảng Lạc có điều kiện thuận lợi để phát triển nền sản xuất nông – lâm kết hợp theo hướng đa dạng.

Khí hậu ở Quảng Lạc mang đặc trưng nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ ttrung bình năm là 24,5o C. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và có mùa đông lạnh.

Xã Quảng Lạc hiện có khoảng 3km đường quốc lộ 12B chạy qua địa phận. Đây là tuyến giao thông quan trọng nối từ TP Tam Điệp theo hướng Tây Bắc qua một số xã của huyện Nho Quan và tỉnh Hòa Bình; nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 6. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong xã giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giao thương phát triển các loại hình dịch vụ hàng hóa, thương mại.

2. Quá trình hình thành làng xã

Các làng trong xã Quảng Lạc đã trải qua quá trình hình thành hàng trăm năm gắn liền với sự hội tụ của dân cư, sự di chuyển của dân cư gắn với lịch sử dân tộc. Những dân cư đầu tiên trên vùng đất Quảng Lạc xuất hiện từ 300 – 400 năm trước, đây là kết quả của những đợt di dân tự do của người mường từ Lạc Sơn, Hòa Bình xuống và một bộ phận từ Thanh Hóa ra. Sau hàng trăm năm khai phá, họ đã tạo ên những xóm làng và phát triển đông đúc như ngày nay.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng của xã Quảng Lạc thuộc tổng Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan.

Sau cách mạng tháng Tám, các làng bản trong xã hợp nhất thành Quảng Lạc.

Năm 1946 Quảng lạc sáp nhập với Phú Long thành một xã mới với, có tên xã Lạc Thành (bao gồm xã Quảng Lạc và Phú Long ngày nay).

Tháng 4 năm 1949, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy về thống nhất chỉ đạo cơ sở, do đó Ủy ban kháng chiến huyện Nho Quan đã sáp nhập 27 xã của huyện thành 10 xã lớn. Theo đó, xã Lạc Thành sáp nhập vào xã Quỳnh Lưu.

Đến năm 1954, trước yêu cầu của tình hình mới, xã Quỳnh Lưu được chia tách thành 5 xã: Xã Phú Long, xã Quỳnh Lưu, xã Sơn Lai, xã Quảng Lạc và xã Sơn Hà; Xã Quảng Lạc có tên gọi ổn định cho đến nay.

Hiện nay, Quảng lạc có 8 thôn gồm: Đồng Thanh, Đồng Bài, Đồng Trung, Quảng Cư, Hưng Long, An Ngải, Đồng Bông, Quảng thành. Toàn xã có 1659 hộ với 6358 nhân khẩu, trong đó có 1118 hộ với 4482 khẩu dân tộc thiểu số.

II. Văn hóa

Trên cơ sở tổ chức xã hội truyền thống, người Mường ở Quảng lạc đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc trưng. Những nét văn hóa đó được thể hiện một cách rõ nét và tinh tế dưới những sinh hoạt văn hóa hết sức cụ thể, giản dị nhưng thiêng liêng và thuần khiết trong các lễ hội hàng năm ở địa phương.

Người mường ở Quảng Lạc coi trọng thờ cúng tổ tiên và bản Mường và tục thờ thổ công, thổ địa trong vườn hoặc đầu hồi để cầu mong mưa gió thuận hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, gia đình ấm no hạnh phúc.

Người mường ở Quảng Lạc thường tổ chức lễ hội du xuân. Hàng năm người Mường ở Quảng Lạc thường tổ chức lễ hội ăn mới. Trong những ngày hội xuân, các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi cùng tiếng cồng chiêng. Xưa, làng nào ở Quảng Lạc cũng có một đội cồng chiêng. Nay xã đã thành lập một câu lạc bộ cồng chiêng để biểu diễn các ngày hội xuân và tham gia giao lưu văn hóa các dân tộc trong huyện. Cồng chiêng đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mường.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư có hiệu quả, đến năm 2017 có 08/08 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 90%, giữ gìn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường, các phong trào văn hóa thể dục thể thao phát triển. Năm 2017 xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới; chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng. Toàn xã có 80 người thuộc đối tượng chính sách người có công. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, chú trọng và thực hiện có hiệu quả.

III. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội

1. Sản xuất nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng là 310.15 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa 273,7 ha, ngô 38,6ha, khoai lang 10ha, năng suất 69.5 tạ/ha, và các loại rau màu.

Công tác chăn nuôi: Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển do giá gia súc, gia cầm tăng, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin vụ Xuân hè đảm bảo kế hoạch. Tính đến 15/9/2018, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã: Đàn trâu, bò 2.470 con; đàn lợn 3.300 con tăng 100 con so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 17.000 con, hươu 21 con; dê 350 con, đàn ong 555 đàn.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 45 triệu đồng/người/năm.

 Thế mạnh địa phương là kết hợp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và phát triển kinh tế đồi rừng, trên địa bàn xã diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ là 661,8 ha rừng sản xuất.

2. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ:

Ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề phù hợp trên địa bàn xã. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân, để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. 

3. Xây dựng nông thôn mới:

Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa cho nhân dân theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2018 đạt thêm 3 tiêu chí nâng tổng số lên 16 tiêu chí.

IV. Danh hiệu thi đua của đơn vị

- Năm 2014

+ UBND huyện tặng giấy khen nhân dân và cán bộ xã Quảng Lạc đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2013.

 Đinh Hoàng Minh 

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1