UBND Xã Quỳnh Lưu


1. Điều kiện tự nhiên

Quỳnh Lưu là xã miền núi, phía Nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích đất tự nhiên 1.709,91 ha, có 2.585 hộ, 9.449 khẩu, trong đó có 1.682 khẩu theo đạo Thiên chúa (chiếm 17,8%). Vị trí địa lý phía Bắc giáp xã Phú Lộc, phía Tây Nam giáp xã Phú Long, phía Đông giáp xã Sơn Lai; Là xã có hệ thống cơ sở hạ tầng, khu trung tâm xã, trường học, trạm y tế đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng từ những năm trước đây. Có các tuyến giao thông quan trọng Quốc lộ 12B, đường du lịch Tràng An – Bái Đính – Cúc Phương đi qua kết nối với các khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Khu du lịch Hồ Đồng Chương, sân Golf…, có nhiều cơ quan, đơn vị Quân đội, Doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhất là các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp.

  
Trụ sở UBND xã Quỳnh Lưu

Quỳnh Lưu là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là trung tâm của chiến khu Quang Trung (Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) trong thời kỳ chống thực dân Pháp - phát xít Nhật, là nơi đã thành lập và có Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Năm 1998 xã Quỳnh Lưu vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.  Năm 2015 xã  được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018 được Thủ tướng Chính Phủ công nhận xã “An toàn khu”. Đảng bộ xã có 465 đảng viên với 19 chi bộ trực thuộc, 19 năm liên tục đạt danh hiệu “ Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, nhiều năm đạt  “ Đảng bộ vững mạnh xuất sắc”, chính quyền vững mạnh.  Nhân dân Quỳnh Lưu có truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng, ủng hộ, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”.

2. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương

a) Tên gọi của xã trong kháng chiến và hiện nay

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 xã Quỳnh Lưu thuộc tổng Quỳnh Lưu phủ Nho Quan có 5 thôn gồm: Hội, Quỳnh, Đồi (Ngọc Thành), Sải (Ngọc Lễ) thôn (Phong Thịnh) Lũ Phong hợp thành xã Quỳnh Lưu.

Năm 1947 sát nhập xã Yên Sơn, tổng Tam Đồng và xã An Lão thuộc tổng  Văn Luận vào xã Quỳnh Lưu; Năm 1949 xã Quảng Lạc, Phúc Lai, Yên Sơn, Yên Bạc, Quỳnh Lưu sát nhập thành xã Quỳnh Lưu; Từ năm 1954 đến nay xã Quỳnh Lưu có 13 thôn gồm các thôn Sải, Đồi, Lũ Phong, Đồi Thờ, Anh Trỗi, Hội Tiến 1, Hội Tiến 2, Xuân Quế, Xanh, Sòng Xanh, Lai Các, Đồi Phương, Đồi Khoai và là xã Quỳnh Lưu ngày nay.

Tên gọi ngày nay: Xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

b) Lịch sử, truyền thống văn hóa

Xã Quỳnh Lưu có địa hình bán sơn địa, người dân được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Vì vậy, cơ quan Trung ương sớm chọn nơi đây trở thành khu căn cứ cách mạng trọng yếu. Nhiều chương trình Hội nghị quan trọng đã được diễn ra tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết của hội nghị Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, cuối tháng 5/1945, hội nghị chấn chỉnh chiến khu Quang Trung (Hòa – Ninh – Thanh) đã họp tại thôn Sầy (xã Sơn Thành, huyện Nho Quan). Các đồng chí Văn Tiến Dũng đại diện Ủy ban Quân Sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Trần Tử Bình đại diện Xứ ủy và các đồng chí bí thư 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa về dự. Hội nghị đã chọn xã Quỳnh Lưu là trung tâm của chiến khu.

 

 Hình ảnh ở Thôn Lũ Phong nơi diễn ra Hội nghị củng cố chiến khu Quang Trung (năm 1945)

 Cuối năm 1948 đến năm 1950, nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước của liên khu 3 đã đóng chân trên địa bàn xã để chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Một số cơ quan đóng chân tại đây như: Quốc Gia ấn thu cục liên khu 3 đóng tại làng Hội, trường Lục quân Nguyễn Huệ (nay là trường Quân sự Quân khu 3) đóng tại thôn Sải, thôn Hội và thôn Đồi.

* Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên.

Quỳnh Lưu là trung tâm căn cứ cách mạng Quang Trung, vì vậy nơi đây được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương về hoạt động như: Tháng 6/1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, sau khi mãn khóa lớp huấn luyện ở Quảng Châu về nước được kỳ bộ Bắc Kỳ cử về Ninh Bình gây dựng cơ sở cách mạng thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 9/1927, đồng chí  Nguyễn Văn Hoan đã thành lập chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở Ninh Bình tại Lũ Phong. Trong thời gian hoạt động đồng chí luôn được nhân dân xã Quỳnh Lưu nuôi, giấu, giữ bí mật.

Ngày 24/6/1929 đồng chí Nguyễn Văn Hoan cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ về Quỳnh Lưu thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Ninh Bình tại nhà cụ Lương Văn Thăng thôn Lũ Phong xã Quỳnh Lưu. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng ở vùng Quỳnh Lưu và Tỉnh Ninh Bình. Cuối năm 1936 đồng chí Bùi Đức Minh được Xứ ủy Bắc kỳ cử về xã Quỳnh Lưu để phổ biến tình hình quốc tế, phổ biến chủ trương lập mặt trận dân chủ, chống phát xít của TW Đảng đến Đảng bộ Ninh Bình và chi bộ Quỳnh Lưu. Đầu năm 1941, đồng chí Lê Đông (tức Sinh) cùng  đồng chí Đài và một số đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về củng cố tổ chức Đảng ở Quỳnh Lưu. Năm 1943, các đồng chí Phan Vỹ (Long) ở Hòa Bình, Phan Lang (Vân) ở Thái Bình nhận chỉ thị của đồng chí Hoàng Quốc Việt (Hương) về thôn Sải bàn kế hoạch hoạt động.

   

Di tích lịch sử Quốc Gia Đồi Son (xã Quỳnh Lưu), nơi diễn ra trận thắng quân Nhật ngày 11/8/1945

 Tháng 3/1948, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn dẫn đầu phái đoàn của Chính Phủ đi kinh lý và kiểm tra tình hình tại xã Quỳnh Lưu trong vòng 1 tuần. Trong suốt quá trình hoạt động các đồng chí lãnh đạo luôn bị đe dọa về sự an toàn tính mạng do những tên mật thám, tay sai đem lại. Nhưng nhờ có sự đùm bọc, nuôi giấu, bảo vệ của người dân nơi đây nên nhiều đồng chí đã được bảo vệ an toàn để chỉ đạo phong trào. Có nhiều thôn và gia đình trong xã đã được tặng Bằng Có công với nước như: thôn Hội, xóm Ngọc Thành, thôn Xuân Quế, xóm Bạ, thôn Lũ Phong và nhiều gia đình.

* Nơi đóng quân, đào tạo huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (Quân đội, công an) từ cấp Đại đội trở lên; Nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài quân trang, quân dụng …. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp quân khu trở lên.

Cuối năm 1948 đến năm 1950, các cơ quan Đảng, nhà nước của Liên khu 3 đã sơ tán đóng trên địa bàn của xã để chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Khu ủy liên khu 3 do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư khu ủy và ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 3 đóng tại thôn Xuân Quế xã Quỳnh Lưu. Quốc gia ấn thu cục liên khu 3 đóng tại Làng Hội và làng Đồi xã Quỳnh Lưu. Bộ chỉ huy sư đoàn 320 đóng ở Làng Lược; Đầu năm 1950 trường lục quân Nguyễn Huệ đóng tại thôn Sải, thôn Hội, thôn Đồi nay là trường quân sự Quân khu 3. Nhà trường đã huấn luyện hàng trăm sỹ quan sơ cấp, cung cấp cho chiến trường trong liên khu và trong vùng địch hậu đáp ứng yêu cầu cho việc chuẩn bị tổng phản công trên các quả Đồi; Đồi Sớn, Đồi Riềng, Đồi Đô là thao trường của nhà trường.

Trong suốt giai đoạn từ năm 1948 đến nay trên địa bàn xã Quỳnh Lưu đều có các đơn vị quân đội đóng quân, huấn luyện, tập kết, trung chuyển lương thực, vũ khí, kho cất giữ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng phục vụ cho kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Trong thời gian các cơ quan đơn vị Bộ đội đóng trên địa bàn được nhân dân trong xã giúp đỡ tạo mọi điều kiện để làm nơi hội họp, nhà kho, hội trường để hoạt động 

* Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận. 

Xã Quỳnh Lưu là nơi có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm. Năm 1927 nơi đây đã thành lập Chi bộ thanh niên cách mạng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình phát triển, chi bộ không ngừng lớn mạnh, tháng 6/1929 chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời và trở thành trung tâm chiến khu Quang Trung. Tại nơi đây, các tổ chức hội ra đời lớn mạnh không ngừng để phục vụ cách mạng. Tháng 5/1941 Xứ ủy cử cán bộ về củng cố lại chi bộ và thành lập các đoàn thể cứu quốc Đặc biệt, các đội tự vệ trong vùng được hình thành và huấn luyện bài bản. Ngày 20/6/1945 Đội giải phóng quân chính thức được ra mắt tại khu Trũng (Địa điểm giáp giới 2 xã Quỳnh Lưu và Sơn Lai). Đội giải phóng quân ra đời, tuy còn non trẻ, trang bị vũ khí còn thiếu thốn nhưng là đội quân cách mạng có ý chí chiến đấu kiên cường. Vì lẽ đó, Đội giải phóng quân có sức lan tỏa rất lớn ra những vùng lân cận giúp lực lượng vũ trang địa phương phát triển

  

Di tích lịch sử Quốc gia Khu Trũng nằm trong khu căn cứ

Cách mạng Quỳnh Lưu đã từng là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh, tập quân sự và thành lập trung đội giải phóng quân chiến khu Quang Trung

Trong mọi trận chiến, lực lượng vũ trang nơi đây luôn chủ động chiến đấu và phối hợp với quân chủ lực để giành thắng lợi vang dội. Tiêu biểu cho sự phối kết hợp này là: Ngày 11/8/1945 Đội giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các đội tự vệ chiến đấu đánh tan đội quân phát xít Nhật tiến công vào khu căn cứ. Ngày 21/8/1945 toàn tỉnh Ninh Bình được giải phóng. Sự kiện này minh chứng cho Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Lưu đã làm tròn nhiệm vụ là trung tâm căn cứ cách mạng, ghi nhận sự trưởng thành của lực lượng vũ trang địa phương đồng thời góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tháng 10 năm 1953, cuộc hành binh Hải Âu của Pháp bắt đầu với hướng chính hướng lên Nho Quan, hướng phụ tấn công lên Gia Khánh. Trước tình hình đó bộ đội địa phương đã phối hợp với Sư đoàn 320 đánh địch ở vị trí đồi 94 (một cứ điểm địch mới chiếm xong). Quân và dân đã tiêu diệt lực lượng giặc giải phóng đồng bào bị bắt và lấy lại tài sản. Sau 20 phút tấn công ta đã tiêu diệt gọn một đại đội Angiêri thuộc đoàn cơ động số 1 là trung đoàn tinh nhuệ nhất của địch và một đại đội Ngụy Binh, diệt 156 tên, thu một đại bác 57 ly, 4 trung liên, một số tiểu liên và quân trang, quân dụng khác, giải phóng cho nhân dân bị địch bắt, lấy lại 100 con trâu, bò. Ngày hôm sau 19/10 địch lại cho một tiểu đoàn vào lùng sục đồn điền Chu Văn Luận du kích các xã đã phối hợp với bộ đội địa phương diệt 30 tên, làm bị thương 15 tên, thu nhiều vũ khí quân dụng, bảo vệ an toàn cho 400 người dân. Trong 23 ngày đêm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích các xã của Nho Quan đã đánh 36 trận, diệt 11 đại đội, một tiểu đoàn, bắt sống 336 tên, bắn rơi 2 máy bay, bắn bị thương 9 chiếc, phá hủy nhiều xe tăng, cơ giới, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng.

Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình kết thúc thắng lợi đánh bại cuộc hành quân Hải Âu của địch, phá tan bước đệm của kế hoạch Na Va tạo đà mở màn cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. 

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Lưu bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhân dân Miền Bắc làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tháng 2/1957 giữa lúc nhân dân trong xã đang ra sức chống hạn Đảng bộ và nhân dân trong xã rất vinh dự được đón đồng chí Trường Chinh, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ về thăm động viên. Năm 1964 Mỹ dùng không quân đánh phá Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - Huyện ủy. Đảng bộ xã Quỳnh Lưu chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến với phương châm “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho Miền Nam.

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trong, nên Quỳnh Lưu lại là nơi tập kết của các đơn vị quân đội chủ lực như sư đoàn 320 B, tiểu đoàn tên lửa, các đại đội pháo cao xạ thường xuyên bảo vệ cầu Rịa, cầu Bến Nhảy, nối tuyến đường 12 B, 12C (Anh Trỗi) đi Nho Quan, giành 5 quả đồi để quân khu 3 làm thao trường và 3 kho đạn, 5 kho quân nhu, 10 kho lương thực, hỗ trợ để bệnh viện tỉnh Ninh Bình sơ tán đóng quân tại Quỳnh Lưu, trường Y tế của Tỉnh và là nơi tập kết của các đơn vị quân đội hành quân vào Nam chiến đấu để đảm bảo an toàn cho các cơ quan và nhân dân. Đảng ủy chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang của địa phương có lúc cao điểm đến 789 người chia làm 4 đại đội và 4 trung đội trực chiến, ngày đêm trực chiến sẵn sàng đánh trả máy bay địch.

Năm 1967- 1969 lực lượng vũ trang của xã đội phối hợp với các đơn vị phòng không, bộ đội tên lửa, chặn đánh nhiều đợt oanh tạc của địch tại cầu Bến Nhảy, cầu Sòng Xanh, Đồi Sim, cầu Rịa, Lang Mái, Đồi Riềng. Nằm trên tuyến đường chiến lược 12B, tổ du kích của xã trực tiếp tham gia bắn máy bay Mỹ được đồng chí Bí thư tỉnh ủy trực tiếp đến thăm và khen ngợi vào tháng 5/1972. Dân quân xã Quỳnh Lưu đã bắn bị thương máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm và oanh tạc địa bàn xã  được cấp trên công nhận. Tháng 6/1972 khi bộ đội tên lửa bố trí ở Đồi Sim (Quỳnh Lưu) dân quân xã Quỳnh Lưu đã phối hợp phục vụ đơn vị quân đội. Củng cố công sự, giải quyết hậu quả sau trận đánh giai đoạn 1965-1968 toàn xã đã huy động được 1071 người tham gia nhập ngũ bằng 21% dân số của xã, có 706 gia đình có con đi bộ đội, 246 hộ gia đình có 2 đến 3 con đi bộ đội, 9 gia đình có 2 con liệt sỹ và 159 đồng chí đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ủng hộ 5.400 kg gạo, 2850 tấn thóc; 1.670  tấn lợn hơi, 2850 tấn thực phẩm, 225 tấn thuốc lá thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

 

Khu tưởng niệm đồng chí Lương Văn Thăng

 Để ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 22/08/1998 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 424 tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” cho nhân dân xã Quỳnh Lưu. Hiện nay xã Quỳnh Lưu có Khu tưởng niệm đồng chí Lương Văn Thăng, Bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, Nhà truyền thống khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu; 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia, gồm điểm di tích lịch sử Đồi Son, Vườn hồ, Đồi Giềng; 04 Di di tích lịch sử cấp tỉnh gồm Chùa Xuân Quang, Đình và Đền làng Sải, Đình - Chùa làng Quỳnh, Đình - Phủ và Chùa làng Đồi

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

 Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII xã Quỳnh Lưu luôn phát huy truyền thống cách mạng và thành tích đã đạt được trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nêu cao tinh thần đoàn kết thi đua lao động sản xuất, khắc phục những khó khăn. Phấn đấu vươn lên, giành được những kết quả thắng lợi tương đối toàn diện: tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trong công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu nông nghiệp được duy trì ổn định tăng giá trị/ha canh tác, các nguồn lực huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng được chú trọng, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chú trọng quan tâm đời sống nhân dân ổn định từng bước được nâng lên. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt hiện nay hộ nghèo giảm còn 2,53%, tiếp tục quan tâm chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng lên; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được đổi mới đạt hiệu quả thiết thực.

4. Danh hiệu thi đua

Trong những năm qua, xã Quỳnh đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt phát động phong trào thi đua “toàn dân xây dựng nông thôn mới”. Đảng bộ 19 năm liên tục đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, chính quyền vững mạnh.

Năm 2011 nhân dân và cán bộ xã Quỳnh Lưu được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Theo Quyết định 239/QĐ-CT ngày 9/6/2011.

Năm 2013 nhân dân và cán bộ xã Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh năm 2012. Theo quyết định số 139/QĐ- UBND ngày 23/2/2013.

 Mặt trận Tổ quốc xã, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã, Hội Nông dân xã, Hội Cựu Chiến binh xã, Hội Phụ nữ xã được các cấp, các ngành tặng Giấy khen

Năm 2014 Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba cho nhân dân và cán bộ xã Quỳnh Lưu.

 Năm 2015 chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “ Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”, giai đoạn 2011- 2015.

Năm 2016 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh Năm 2015 ( Quyết định số 132/QĐ-UBND ngày 18/2/2016)

Năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã “An toàn khu”

Đinh Hoàng Minh

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1