UBND xã Sơn Thành

1. Điều kiện tự nhiên.

- Vị trí địa lý: Xã Sơn Thành có phía Tây Bắc giáp xã Thanh Lạc; phía Đông Nam giáp xã Sơn Lai và Quỳnh Lưu; phía Tây Nam giáp xã Phú Lộc; phía Đông Bắc giáp xã Gia Phong của huyện Gia Viễn.

- Địa hình: Sơn Thành là một xã vùng đồng chiêm trũng của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Xã giáp với các xã trên phần lớn là sông ngòi như sông Sầy, sông Ráy, sông Rịa. Trước năm 1954, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Sơn Thành là một xã vùng sâu, vùng xa, muốn về Sơn Thành chỉ bằng cách đi bộ hoặc đi bằng thuyền nan qua 05 con đò, là: đò Sầy, đò Đồng Dược, đò Tư Ân, đò Ráy.

 Với vị trí địa lý như trên là một điều kiện thuận lợi để Sơn Thành nuôi giấu cán bộ, đặc biệt ở phía Đông Nam xã Sơn Thành giáp xã Quỳnh Lưu và Sơn Lai là các xã có phong trào cách mạng sớm, Quỳnh Lưu là một trong ba trung tâm của vùng chiến khu Quang Trung. Do vậy, Sơn Thành có nhiều ảnh hưởng tác động tích cực để xây dựng và sớm phát triển phong trào cách mạng và Sơn Thành cũng là một trong các xã thuộc căn cứ địa Quỳnh Lưu.

- Đặc điểm đơn vị hành chính xã: Sơn Thành có diện tích tự nhiên là 559,8 ha, đất nông nghiệp là 334,68 ha (trong đó có 100 ha cấy lúa 2 vụ), không có đất màu, đất vườn trong khu dân cư 8,06 ha. Đất mặt nước 48,23 ha. Đất phi nông nghiệp 168.83 ha. Xã có 13 thôn với 982 hộ, 3461 khẩu, trong đó có 140 hộ với 519 khẩu chiếm 15% dân số theo đạo Thiên chúa giáo tập trung ở thôn Đồng Dược và thôn Tư Ân. Có 04 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn xã, gồm: Kinh, Mường, Tày và Thái. Dân tộc chính là Kinh chiếm 99,7%. Hiện nay, toàn xã được chia làm 13 thôn.

2. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương

a) Tên gọi của xã trong kháng chiến và hiện nay:

Sơn Thành là một xã vùng đồng chiêm trũng của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, trước năm 1945 là 2 xã Sơn Dược và Bái Ân thuộc Tổng Vân Trình huyện Gia Viễn.

Sau năm 1945 xã Sơn Dược được đổi tên là xã Công Thành, xã Bái Ân được đổi tên là xã Đại Ân. Cả 2 xã đều được chuyển về huyện Nho Quan. Đầu năm 1946 cả 2 xã Công Thành Và xã Đại Ân được hợp nhất thành một xã với tên gọi xã Công Thành, đến năm 1949 với chủ trương của trên hợp nhất các xã nhỏ, thành lập các xã có quy mô lớn hơn để đáp ứng nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Trong giai đoạn mới xã Công Thành và 2 xã Thanh lạc, Thượng Hòa ngày nay hợp nhất thành một xã với tên gọi là xã Cộng Hòa, sau giảm tô tháng 08 năm 1954 xã Cộng Hòa lại chia tách thành 03 xã là xã Thành Công, Thanh Lạc, Thượng Hòa, đến cuối năm 1964 xã Thành Công được đổi tên là xã Sơn Thành như ngày nay.

Tên gọi ngày nay: Xã Sơn Thành, huyện Nho quan, tỉnh Ninh Bình

b) Lịch sử, truyền thống văn hóa:

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Sơn Thành là một xã vùng sâu, vùng xa, phần lớn là sông ngòi bao quanh, muốn đến Sơn Thành chỉ đi bộ hoặc đi thuyền nan qua nhiều bến đò. Với vị trí địa lý như trên là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết của hội nghị Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, cuối tháng 5/1945, hội nghị chấn chỉnh chiến khu Quang Trung (Hòa – Ninh – Thanh) đã họp tại thôn Sầy (xã Sơn Thành, huyện Nho Quan). Các đồng chí Văn Tiến Dũng đại diện Ủy ban Quân Sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Trần Tử Bình đại diện Xứ ủy và các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, ủy viên quân sự của 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa về dự. Quỳnh Lưu được chọn làm trung tâm căn cứ chiến khu (Xã Sơn Thành thời kì này thuộc Quỳnh Lưu, theo đó Sơn Thành nằm trong khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan của Liên khu III lựa chọn làm cơ sở hoạt động như: nhà máy in Tiến Bộ, một cơ sở của nhà xuất bản Sự Thật làm nhiệm vụ in tài liệu, sách báo của trung ương, phục vụ cho Liên khu III, Liên khu IV; Xưởng công binh sản xuất vũ khí…

  

Ảnh : Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình làng Ác, xã Sơn Thành nằm trong khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Nơi đây từng được các cơ quan của Trung ương, Liên khu III lựa chọn làm căn cứ  hoạt động cách mạng.

* Xã Sơn Thành còn là nơi nuôi dấu giữ bí mật để bảo vệ các đồng chí Trung ương, Khu ủy khu III, Tỉnh ủy về chỉ đạo phong trào của Sơn Thành nói riêng và của cả vùng chiến khu Quang Trung, cụ thể như: 

- Tháng 06 năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan là cán bộ của Kỳ Bộ Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Bắc Kỳ được cử về xây dựng cơ sở cách mạng ở Ninh Bình và đã được nhân dân xã Sơn Thành nuôi giấu, bảo vệ bí mật an toàn. Đồng chí đến xã Sơn Thành để tuyên truyền và kết nạp Cụ Tú Thăng vào tổ chức cách mạng; đến tháng 9 năm 1927, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thôn Lũ Phong (xã Sơn Thành ngày nay) được thành lập. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên được thành lập ở Ninh Bình có 08 hội viên trong đó có đồng chí Đinh Tất Miễn (học trò của Cụ Tú Thăng) người thôn Sầy xã Sơn Thành là hội viên, đến ngày 26/06/1929 chi bộ Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên thôn Lũ Phong chuyển thành Chi Bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng thôn Lũ Phong, đây là tổ chức tiền thân của Đảng bộ Tỉnh Ninh Bình, đồng chí Đinh Tất Miễn là Đảng viên của Chi bộ trên cơ sở đó đồng chí Đinh Tất Miễn đã tuyên truyền phong trào cách mạng ở xã Sơn Thành, đến tháng 10 năm 1930 thành lập chi bộ Sơn Dược do đồng chí Đinh Tất Miễn làm Bí thư chi bộ đây là tổ chức Đảng tiền thân của Đảng bộ xã Sơn Thành.

- Cuối tháng 5 năm 1945, đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Trần Tử Bình và các đồng chí Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình đã họp ở thôn Sầy (Sơn Thành) bàn việc củng cố vùng chiến khu Quang Trung (trước gọi là chiến khu Hòa – Ninh – Thanh). Nhân dân Sơn Thành đã chuẩn bị địa điểm, bảo vệ và phục vụ hậu cần cho hội nghị.

Sau hội nghị quân sự ở thôn Sầy phong trào cách mạng ở Sơn Thành phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị mọi lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945.

Tháng 2 năm 1948, đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 3 được tổ chức tại làng Ác có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương và Xứ ủy về dự, chỉ đạo như: đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn, Đỗ Mười và nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh về dự đại hội. Nhân dân Sơn Thành chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ đại hội như: công tác bảo vệ, sẵn sàng chiến đấu, canh gác tuần tra, chuẩn bị hậu cần, lương thực, thực phẩm,… góp phần cho đại hội thành công tốt đẹp.

 

Ảnh : Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Sầy, xã Sơn thành nơi tổ chức các hội nghị bí mật, nơi hoạt động của các cán bộ cách mạng những năm 1930. Ngày 19/8/1945 là một trong các điểm xuất phát của lực lượng cứu quốc quân tham gia đánh huyện lỵ Gia Viễn

Ngoài ra, nhân dân xã Sơn Thành đã tham gia nuôi giấu, giữ bí mật và bảo vệ các đồng chí Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy về chỉ đạo phong trào ở Sơn Thành nói riêng và ở khu vực chiến khu Quỳnh Lưu nói chung như: đồng chí Nguyễn Văn Hoan, đồng chí Trần Kiên, Đặng Văn Vệ, Phan Văn Vạc, Phan Vĩ (Phan Long)

* Xã Sơn Thành còn là nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

Tháng 5 năm 1951, bộ đội chủ lực mở chiến dịch Quang Trung (còn gọi là chiến dịch Hà Nam Ninh) đánh địch trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Chi bộ xã Sơn Thành đã tổ chức nhân dân tích cực phục vụ chiến dịch, như: Đưa đón, tập kết, nuôi dưỡng bộ đội chuẩn bị vào chiến dịch, xay lúa giã gạo, dựng lán trại để bộ đội trú quân, vận chuyển lương thực, vũ khí đến vị trí tập kết, đóng quân… Trong dịp này, một số thanh niên hăng hái xin nhập vào các đơn vị bộ đội gia chiến đấu. Nhân dân Sơn Thành ủng hộ bộ đội 7 tấn gạo và 3 tấn thịt lợn hơi. Chiến dịch mở vào tháng mưa, lúa gặt về không phơi nắng được nhân dân phải rang thóc để kịp xay giã có gạo ủng hộ bộ đội. Chỉ trong vòng 15 ngày, nhân dân Sơn Thành giao nộp đủ số lượng gạo và thịt lợn, đáp ứng yêu cầu của cấp trên.

Từ tháng 12 năm 1946, nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, kho tàng xí nghiệp, đơn vị bộ đội sơ tán về đóng quân trên địa bàn Sơn Thành, như: nhà in Tiến Bộ (cơ sở nhỏ phân tán), Nhà xuất bản Sự Thật (cơ sở II) đặt tại đình Ác và một số gia đình trong thôn, làm nhiệm vụ in tài liệu sách báo của Trung ương phục vụ cho liên khu III, liên khu IV.

Xưởng công binh sản xuất vũ khí đặt ở chùa Đồng Dược, đình Ác, đình Bái, Đình Lạm và một số nhà dân để lắp ráp mìn, lựu đạn, sửa chữa súng hỏng, rèn giáo mác, dao, kiếm... phục vụ lực lượng vũ trang. Kho tài liệu tối mật đặt tại thôn Ác (nhà cụ Trần Văn Duyệt). Kho đường đặt tại thôn Đồng Dược (nhà ông Đinh Văn Bổng). Kho hàng hóa (đạt tại nhà ông Đinh Văn Tần), xưởng quân nhu, khu quân nhu (đặt tại nhà ông Trần Văn Ái) thôn Ác. Hàng ngàn tấn thóc gạo được cất giữ rải rác ở khắp các nhà dân, tập trung nhiều nhất ở thôn Ác. Các cơ quan chi cục kho thóc Ninh Bình và liên khu III đặt tại thôn Ác.

* Sơn Thành là nơi có phong trào cách mạng vững mạnh từ rất sớm; từ tháng 10 năm 1930, đã có tổ chức cơ sở đảng được thành lập, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp lực lượng vũ trang ở Sơn Thành dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát triển khá mạnh mẽ. Từ cuối năm 1945, các đội tự vệ chiến đấu tập trung được thành lập với hàng trăm đội viên, là tiền thân của đội tự vệ chiến đấu Vạn Thắng, sau đó chuyển thành các đại đội du kích tập trung của xã, có trang bị vũ khí như súng trường, lựu đạn, dao găm, mã tấu; tổ chức luyện tập quân sự, phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu với hàng trăm thanh niên tham gia, đặc biệt ở các chiến dịch: Hà – Nam - Ninh (năm 1951), chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (năm 1953).

Từ tháng 8/1945 nhân dân xã Sơn Thành sôi nôi chuẩn bị lực trong cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát quân lệnh số 1. Tỉnh ủy Ninh Bình chọn huyện Gia Viễn làm điểm khởi nghĩa đầu tiên. Chiều ngày 18/8/1945, chi bộ Đảng, Việt Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng Sơn Dược, Bái Ân huy động gần 100 tự vệ chiến đấu và hội viên các đoàn thể cứu quốc mang theo vũ khí thô sơ tập trung tại Đình Sầy để nghe phát lệnh khởi nghĩa.

Sáng 19/8/1945, nhân dân xã Sơn Thành cùng với nhân dân huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan tham gia giành chính quyền ở huyện lỵ Gia Viễn, mở đầu cho việc giành chính quyền ở tỉnh Ninh Bình trong Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Từ giữa tháng 12 năm 1949 đến đầu tháng 01 năm 1950, bộ đội chủ lực mở chiến dịch Vạn Thắng đánh địch trên địa bàn Ninh Bình. Tỉnh ủy Ninh Bình đã phát động toàn dân không phân biệt tôn giáo, trong vùng địch hay ngoài vùng tự do, đoàn kết thi đua giết giặc lập công. Cũng trong thời gian này, chi bộ Cộng Hòa (gồm có xã Sơn Thành ngày nay) đã tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang; nhiều cán bộ, đảng viên bổ sung vào dân quân du kích, đảm nhiệm chỉ huy các đơn vị, tổ chức luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu. Phong trào toàn dân luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hàng chục thanh niên hăng hái tình nguyện tòng quân bổ sung cho bộ đội chủ lực, các đoàn thể quần chúng cứu quốc sôi nổi tham gia cuộc vận động ủng hộ “mùa đông binh sỹ”. Toàn xã quyên góp được hàng tấn gạo, hàng vạn đồng và nhiều đồ dùng sinh hoạt ủng hộ du kích và bộ đội.

Tháng 10 năm 1953, quân Pháp mở cuộc càn quy mô lớn ra vùng Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Chúng đặt nhiều chốt canh trên dọc đường 59 – Rịa và tiến vào sâu nhiều làng xã thuộc huyện Nho Quan như: đồi Lồng, đồi Khoai, Điện Phốt. Hằng ngày, chúng cho xe lội nước chạy sát bờ sông sắt thông Đồng Dược, Ráy, Ác… trực tiếp uy hiếp các thôn xóm thuộc Sơn Thành. Ban đêm chúng bắn pháo sáng, ban ngày chúng cho máy bay quần đảo trinh sát, cho lính bộ tràn vào các thôn Ráy, thôn Ác cướp phá nhà dân, bắt đi nhiều lợn, gà, vịt,… du kích thôn Ráy kịp thời nổ súng đánh địch. Trong thời gian quân địch đánh chiếm vào vùng Tây Nam Ninh Bình và các thôn thuộc Sơn Thành, cấp ủy đảng đã cử nhiều cán bộ đảng viên bám sát cơ sở, tổ chức sơ tán dân lên vùng núi Hữu Thường và Vân Trình, nhân dân được bảo vệ an toàn. Lực lượng du kích dân quân và thanh niên bám địa bàn làm nhiệm vụ chống địch càn quét, bảo vệ tài sản nhà nước và của nhân dân. Trong 10 ngày, lực lượng Sơn Thành vận chuyển 600 tấn thóc của Nhà nước vào vùng Kỳ Phú, Cúc Phương.

Từ những điều kiện lịch sử và phong trào cách mạng nêu trên, xã Sơn Thành đã có 02 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia nằm trong chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu đó là: khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Sầy được công nhận năm 1997, khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Ác được công nhận năm 2001 và 01 khu di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh đó là Đình Bái được công nhận năm 2009 (có Bằng công nhận của Bộ VHTT và Bằng công nhận của UBND Tỉnh Ninh Bình; hồ sơ gốc lưu tại sở VHTT và UBND xã Sơn Thành). Toàn xã 01 xóm (Xóm Lầu, thôn Sầy) được cấp Bằng có công với nước, có 34 đồng chí được công nhận Lão thành cách mạng và có 02 đồng chí được công nhận là Cán bộ Tiền khởi nghĩa, 04 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước và 10 người được phong tặng/truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 95 liệt sỹ.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: “Kinh tế tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; năng xuất lúa phấn đấu năm sau cao hơn năm trước; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt”

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Sơn Thành đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2017 được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen cho nhân dân và cán bộ xã Sơn Thành theo quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 07/02/2018.

Đinh Hoàng Minh 

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1