UBND Xã Sơn Lai
Xã Sơn Lai trước năm 1945 có tên gọi là Phúc Lai thuộc
tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình gồm các thôn: Thôn Tĩnh khê sau
đổi tên là thôn Chàng, Thôn Bình Lư sau đổi tên là Thôn Sưa, thôn Kinh Bài sau
đổi tên là Thôn Bái, thôn Thượng lược sau đổi tên là thôn Lược, thôn Ngọc Mỹ
sau đổi tên là Thôn Me, thôn Mộc hoàn, thôn Đông thịnh, thôn Yên Đàm ( còn gọi
là thôn đập). Khoảng những năm 30 thế kỷ XX, do bị lụt lội nên dân thôn Yên Đàm
chuyển đi nơi khác, vì vậy không còn thôn Yên Đàm.
Đầu năm 1945, các thôn Me, Lược, Mộc hoàn ( xã Phúc
Lai) hợp nhất với thôn Xát ( trước gọi là Yên Bình, thường gọi là Trại Xát) và
thôn Đồng quan thuộc xã Văn Bảng, tổng Quỳnh Lưu, thành lập xã Văn Phúc.
Tháng 8 năm 1945, xã Phúc Lai hợp nhất với xã Ngọc Sơn
gồm hai thôn Thanh Vĩ và Ngọc Sơn ( thường gọi là Làng Vẽo) thuộc tổng Tam
Đồng, huyện Nho Quan. Thành lập xã Sơn Lai.
Năm 1946 xã Văn Phúc giải thể. Các thôn Me, Lược, Mộc
Hoàn sáp nhập trở lại xã Sơn Lai.
Năm 1949, các xã Quỳnh Lưu , Quảng cư, sơn lai, yên
phúc, lạc thành hợp nhất thành lập xã Quỳnh Lưu (mới). Đầu năm 1954 Quỳnh Lưu
(hợp nhất) giải thể, thành lập lại 5 xã: Sơn Lai, Quỳnh Lưu, Quảng Lạc (Quảng
cư) Sơn hà (Yên phúc), Phú Long (Lạc Thành): Thôn Đông Thịnh (xã Sơn Lai) sáp
nhập vào xã Quỳnh Lưu.
Năm 1954, thôn Thái Sơn thuộc xã Hùng Uy, huyện Gia
Viễn ( trước là xã Độc Trang thuộc tổng Lê Xá, huyện Gia Viễn) sáp nhập vào xã
Sơn Lai.
Năm 1966, thôn Xát ( xã Sơn Hà) sáp nhập vào xã Sơn
Lai.
Trong những năm 1970-1972, do bị lụt lội một số hộ ở
thôn Càng di chuyển lên đồi Đính Chàng. Năm 1988, thôn Chàng tách thành 2 thôn:
Đính Chàng, Làng Chàng; xóm Đồi Chàng chuyển thành thôn Đồi Chàng.
Năm 1988, xóm Trại thuộc thôn Sưa đổi tên là thôn Đồi
Dâu.
Năm 1991, thành lập thôn tân Sơn.
Hiện nay xã Sơn Lai gồm 12 thôn : Me, Lược, Bái, Đồi
Dâu, Sưa, Vẽo, Làng Chàng, Đồi Chàng, Đính Chàng, Đồi Chàng, Thái Sơn, Xát, Tân
Sơn.
Xã Sơn Lai nằm ở phía Đông nam huyện Nho Quan, cách
Thị Trấn Nho Quan 23km; phía bắc giáp xã Gia Phong (huyện Gia Viễn), Phía đông
nam giáp xã Ninh Hải huyện hoa Lư, phía Nam giáp xã Sơn Hà. Phía tây nam giáp
xã Quỳnh Lưu. Phía tây giáp xã Sơn Thành. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã
là 1788,4 ha; trong đó đất nông nghiệp là 1307 ha (chiếm 74%); đất phi nông
nghiệp 301ha (17%), đất chưa sử dụng 155ha( 8,8%). Chiều dọc xã theo hướng bắc
– nam từ thôn Thái Sơn ( phía bắc) đến thôn Xát ( phía nam) dài 7km. Chiều ngang
xã theo hướng đông – tây từ thôn Lược ( phía đông) đến thôn Đồi Dâu ( phía tây)
dài 4km. Địa hình xã Sơn Lai đa dạng đồi núi xen lẫn đồng bằng chiêm trũng, cao
thấp đan xen dẫn đến tình trạng có nơi mới mưa là úng lụt, mới nắng đã khô hạn.
Phía bắc xã là vùng chiêm trũng thích hợp thâm canh trồng lúa nước. Xưa kia chỉ
cấy được một vụ, nay hệ thống đê điều, thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi phục vụ
sản xuất nông nghiệp cấy được hai vụ. Phía đông xã có dãy núi đá vôi trữ lượng
khá lớn, có nhiều lâm sản và cây làm thuốc quý; vùng này thuận lợi trồng cây lấy
gỗ, cây ăn quả, cây công nghiệp. Phía tây nam xã có dãy đồi Dâu chạy dài tới
đồi Bé nối liền với đồi Chùa, đồi Đồng sang và khu Trũng tiếp giáp với làng
Đồi, làng sải ( thuộc xã Quỳnh Lưu) hình thành một vùng khép kín. Phía tây xã
có đồi Vẽo.
Ở Sơn Lai, khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa rất rõ
rệt. Mùa hè nóng ẩm, mùa đông khô hanh, lạnh. Lượng mưa trung bình hàng năm
1700mm -1800mm, phân bố không đồng đều tập trung từ tháng 5 đến thàng 10, nhất
là các tháng 7,8,9 thường gây ứng lụt. Mỗi năm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 5-7
cơn bão vào địa bàn xã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp. Số giờ nắng
trung bình hằng năm 1600 giờ - 1800 giờ, rất thuận lợi cho cây trồng phát
triển.
Xã Sơn Lai có hệ thống đường giao thông thủy bộ rất
thuận tiện giao lưu phát triển kinh tế văn hóa trong vùng và mở rộng các tỉnh
trong cả nước. Đường Nguyễn Văn Trỗi từ xã Trường yên (Hoa Lư) qua xã Gia sinh
( Gia viễn) vào đất Sơn Lai (phía đông xã từ thôn Lược đến thôn Tân sơn), gặp
quốc lộ 12B (đường 59) đi Nho Quan, Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Đường du lịch
Tràng An từ thành phố Ninh Bình qua các
xã Ninh Nhất (Hoa Lư), Gia Sinh (Gia Viễn) vào địa phận xã Sơn Lai (từ thôn
Đính Chàng phía đông bắc xã đến thôn Đồi Dâu phía tây nam xã), qua xã Quỳnh
Lưu, xã Phú Lộc gặp quốc lộ 12B đi Cúc Phương. Đường tỉnh 477C qua xã Sơn Lai
từ thôn Me đến thôn Chàng đi xã Gia Phong, thị trấn Me ( huyện Gia Viễn). Hệ
thống giao thông xã, liên thôn, ngày nay tổng chiều dài 63km, tương đối hoàn
chỉnh, chất lượng tốt ( bê tông, nhựa) rất thuận tiện đi lại và phục vụ sản xuất.
Sông Đồng dược từ phía Phú Long vào xã Sơn Lai ( từ thôn Vẽo đến thôn Thái Sơn),
cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp và bồi đất phù sa cho
đồng ruộng Sơn Lai ngày thêm phì nhiêu.
Toàn xã có
1.626 hộ, 5.710 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số 121 người, (chiếm 2,11%);
công giáo 1910 người (chiếm 33,4%), trong đó có 2 thôn (thôn Xát, Thôn
Lược) thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Nhân dân Sơn Lai giàu lòng yêu nước và tinh thần anh
dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống cường quyền bạo lực áp bức bóc lột.
Thời nhà Đinh (thế kỷ X), các địa danh khu Hóc Lược, thung Chùa, núi Đầu cân,
núi Rếch....(thuộc xã Sơn Lai ngày nay) là nơi tuyển quân luyện tập binh sĩ,
diễn ra các cuộc Lễ hội khao quân của vua Đinh.
Thời Lê – Mạc (thế kỷ XVI), khu Đồi Dâu (thôn Sưa) là
nơi tuyển mộ, luyện tập quân sĩ và chuẩn bị lương thảo. Những tên gọi Vườn
cung, Cửa vua, đường nhà Lê (từ Đồi Dâu đi Gia sinh) là những di tích ghi dấu
ấn lịch sử một thời ở vùng này.
Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, quân sĩ của Quận Hẻo
Nguyễn Danh Phương về vùng Sơn Lai luyện tập quân sự và xây dựng lực lượng,
chuẩn bị lương thảo, tiếp tục chiến đấu chống chúa Trịnh. Nhân dân khắp vùng nô
nức hưởng ứng tham gia. Cuộc khởi nghĩa tồn tại 10 năm (1740-1751). Di tích
thành Hẻo ( Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương) ở thôn Me nói lên chí khí quật cường
của nhân dân đấu tranh chống lại triều đình phong kiến thối nát, là niềm tự hào
của nhân dân địa phương.
Cuối thế kỷ XVIII, nhân dân vùng đất Sơn Lai hăng hái
ủng hộ lương thảo, tham gia nghĩa quân Tây sơn do Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ
chỉ huy, tiến quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng
Thăng Long, ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu năm (1789).
Từ khi thực dân pháp nổ phát súng xâm lược nước ta
(1858), nhân dân Sơn Lai nô nức tham gia phong trào Cần vương do các văn thân,
sĩ phu yêu nước tổ chức lãnh đạo chống lại chúng. Những năm 1924-1925, nhân dân
thôn Xát đấu tranh chống lý trưởng xã Quỳnh Lưu định cướp đất khẩn khai khu
Giếng Vàng, Cửa làng. Đặc biệt, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo
cách mạng, tinh thần yêu nước đoàn kết anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm
và tay sai bán nước của nhân dân Sơn Lai bùng lên mãnh liệt. Nhất là từ những
năm 30 thế kỷ XX có tác động ảnh hưởng của phong trào cách mạng trong vùng
,trong huyện, trong tỉnh, nhân dân Sơn Lai, nòng cốt là lực lượng thanh niên
hăng hái tích cực tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở
Đảng, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân, tiến lên làm
cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, kháng chiến chống thực dân pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tổng kết qua 3 cuộc kháng chiến xã Sơn Lai có 92 người
được công nhận là cán bộ Lão thành, hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Thôn
Sưa, Thôn Vẽo được tặng Bằng có công với nước; 42 gia đình được tặng Bằng gia
đình cơ sở cách mạng; 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 01 cá nhân được tặng danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược).
01 Là tập thể và nhân dân lực lượng vũ trang nhân dân xã Sơn Lai được phong
tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân(Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược
1945-1954). Có 142 Liệt sỹ; 02 địa danh Khu trùng và Khu Đồng Báng được xếp
hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia; Đền thượng, Đền hạ, Chùa Thái Sơn;
Đình và Chùa thôn Chàng; Đình và chùa Ngọc Mỹ thôn Me; Đình thôn Sưa được công
nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện uỷ - UBND huyện,
sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp
hành Đảng bộ, sự phối hợp của mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, cán bộ,
nhân dân xã nhà đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng nhau nỗ lực phấn đấu,
kiên trì khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập đã
giành được những kết quả quan trọng “Kinh tế tăng trưởng khá; cơ sở vật chất được
quan tâm đầu tư; phong trào xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh; Văn
hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; An ninh chính trị -
trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Công tác quốc phòng được củng cố; công
tác giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân đạt kết quả tốt; Hiệu lực quản
lý, điều hành của chính quyền được nâng lên”.
Cụ thể năm 2017: Tổng giá trị sản xuất năm 2017 sau
khi đã trừ chi phí, đạt 139,9 tỷ đồng (Tăng 33,2 tỷ đồng so với năm 2016). Trong
đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 42,2 tỷ đồng; Công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại, dịch vụ và lương, phụ cấp, trợ cấp đạt
97,7 tỷ đồng. Tổng sản lượng cây có hạt năm 2017 là 2.500 tấn, đạt 83,3% kế
hoạch, giảm 556,2 tấn so với năm 2016, bình quân lương thực đầu người 447
kg/người/năm, giảm 136 kg/người/năm so với năm 2016.
Trong những năm qua, xã Sơn Lai đã phát động nhiều đợt
thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích
cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc
thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi
tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi
đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương
người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết
điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua
khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các
tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính
trị, kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững
mạnh.
Đinh Hoàng Minh