UBND Xã Đồng Phong


1. Điều kiện tự nhiên.

- Vị trí địa lý: Xã Đồng Phong là một xã nằm ở hữu ngạn sông Lạng, phía Bắc huyện Nho Quan, nơi tiếp giáp giữa huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) và huyện yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Phía Bắc giáp xã Phú Sơn; phía Nam giáp xã Văn Phong; phía Đông giáp Thị trấn Nho Quan; phía Tây giáp xã Yên Quang của huyện Nho Quan và xã Ngọc Lương của huyện Yên Thủy tỉnh Hòa Bình.

- Địa hình: xã Đồng Phong là một xã bán sơn địa của huyện Nho Quan có địa hình tương đối phẳng, có hướng nghiêng nhẹ dần về phía đông. Địa bàn xã được bao bọc, bảo vệ bởi hệ thống đê Năm căn. Đất phổ biến là đất pha sỏi, độ phì nhiêu kém tuy vậy là xã có điều kiện giao thông tương đối thuận lợi có tuyến đường Quốc lộ 12B chạy qua. Tuyến đường này là huyết mạch giao lưu văn hóa, văn hóa giữa các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi Tây Bắc tạo ra một thế mạnh đặc thù của xã Đồng Phong.

- Đặc điểm xã: Đồng Phong có diện tích tự nhiên là 626,86 ha. Xã có 08 thôn với 1.703 hộ, 5.573 khẩu.

2. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương

a) Tên gọi xã trong kháng chiến và hiện nay:

Trước năm 1945 Đồng Phong thuộc xã Lạng Phong của tổng Lạng Phong. Đến năm 1953, sau khi thực hiện cuộc vận động giảm tô, và trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Lạng Phong chia tách thành lâp 03 xã là xã Hồng Phong, Lạng Phong và thị trấn Nho Quan. Đến năm 1964, xã Hồng Phong đổi tên thành xã Đồng Phong như ngày nay.

b) Lịch sử, truyền thống văn hóa:

Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời tạo nên một bước ngoặt lịch sử mới đối với dân tộc. Trước tình hình mới, để bảo vệ vững chắc vùng tự do, đẩy mạnh công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng vùng tự do vững mạnh, phát triển về mọi mặt. Đầu năm 1953, cấp trên quyết định chia tách xã Lạng Phong thành 03 xã: Lạng Phong, thị trấn Nho Quan và Hồng Phong (xã Đồng Phong ngày nay).

Năm 1953 thành lập chi bộ xã Hồng Phong (xã Đồng Phong ngày nay) với gần 50 đảng viên. Đồng chí Đỗ văn Thi được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Bí thư Nông hội xã. Đồng chí Ngô Văn Hành Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Sau khi thành lập, chi bộ xã Hồng Phong  lãnh đạo nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong những năm xây dựng và bảo vệ quê hương, nêu cao ý chí tự lực, tự cường phấn đấu xây dựng xã Hồng Phong vững mạnh về mọi mặt, đảm bảo chi viện ngày càng cao đối với tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, quân Pháp tập trung một lực lượng lớn bộ binh , cơ  giới có xe tang và đại bác hạng nặng yểm trợ từ Ghềnh đánh lên Nho Quan theo đường 59 (tức đường 12B). Nắm chắc tình hình và âm mưu của địch, thi hành chỉ thị của Liên khu ủy Liên khu III, của Tỉnh ủy, Huyện ủy, chi bộ xã Hồng Phong (xã Đồng Phong ngày nay) lãnh đạo nhân dân chuẩn bị mọi mặt để đối phó. Cùng với quân và dân trong huyện, quân dân Hồng Phong chủ động phối hợp cùng bộ đội tấn công địch ở khắp nơi, gây cho chúng nhiều thất bại, các mũi tấn công của địch đều bị bẻ gãy. Bị thất bại nặng sau gần một tháng đánh lên Nho Quan. Ngày 16 tháng 11 năm 1953, quân địch phải rút lui khỏi Nho Quan. Kế hoạch Nava bị thất bại một bước quan trọng ở Tây nam Ninh Bình. Các đảng viên của Chi bộ Hồng Phong cùng nhân dân ở Hồng Phong góp phần làm nên chiến thắng tây nam Ninh Bình.

Thực hiện đường lối “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, xã Hồng Phong lãnh đạo nhân dân đi dân công tải lương, tải đạn phục vụ chiến trường; đi bộ đội với phương châm: “Có lệnh là lên đường”.

Nhận thức vị trí và tầm quan trọng của hậu phương vùng tự do đối với cuộc kháng chiến, xã đã củng cố, xây dựng về mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Phong (xã Đồng Phong ngày nay) đã góp phần vào thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, buộc thực dân Pháp ngồi vào đàm phán ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam, rút quân và phương tiện chiến tranh về vùng tập kết nam vĩ tuyến 17.

Cuộc chiến tranh chống thực dân pháp thắng lợi. Cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn mà nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu là: Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân xã nhà vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh đã giành được nhiều thành tích và đã xây dựng những trang lịch sử thực sự bằng mồ hôi, trí tuệ và cả xương máu. Trong những chặng đường đó, Đảng bộ xã đã hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới.

c) Di tích lịch sử:

Hiện nay xã có 01 di tích lịch sử được công nhận là Phủ Tàu Voi ở thôn Trại Lạo, xã Đồng Phong.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: “Kinh tế tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; năng xuất lúa phấn đấu năm sau cao hơn năm trước; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt”.

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Đồng Phong đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.

Đinh Hoàng Minh 

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1