UBND Xã Gia Tường
1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội.
Gia Tường
là một xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Nho Quan; phía Bắc giáp xã Gia
Thủy, Gia Lâm; phía Đông giáp với xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, xã Đức Long,
huyện Nho Quan; phía Nam giáp xã Lạc Vân; phía tây giáp xã Phú Sơn, Thạch Bình.
Địa bàn hành chính được chia thành 07 thôn, tổng dân số có 1.616 hộ với 6.225
nhân khẩu, dân tộc thiểu số 17 khẩu (chiếm 0,27%); đạo thiên chúa 15 khẩu
(chiếm 0,24%). Trên địa bàn xã có 01 HTX Nông nghiệp, 01 HTX Nấm, 03 trường
học, 01 trạm Y tế. Tổng diện tích tự nhiên của xã 1.037,47 ha. Trong đó: Đất
nông nghiệp: 738,98ha, đất phi nông nghiệp 258,23ha, đất chưa sử dụng 40,26ha.
Xã Có các
tuyến đường giao thông quan trọng như tỉnh lộ ĐT477 và ĐT479 chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho việc
phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp. Là
xã có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu trung tâm xã, trường
học, trạm y tế vv… đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình
dự án khác nhau qua nhiều năm đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương.
Đảng bộ xã
có 280 đảng viên, với 11 chi bộ trực thuộc, nhiều năm liên tục được công nhận
“Đảng bộ trong sạch vững mạnh”. Nhân dân trong xã có truyền thống đoàn kết,
năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng, ủng hộ, chấp hành tốt
các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, đặc biệt là phong
trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.Tuy nhiên, Gia Tường cũng là
xã có địa hình bán sơn địa có độ dốc từ Tây sang Đông, hàng năm thường xuyên bị
ảnh hưởng của thiên tai, gây khó khăn không nhỏ tới đời sống và sản xuất của
nhân dân.
Kinh tế của
xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, năm 2017: cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp,
thủy sản chiếm 37%; tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 37%; thương mại dịch vụ và
ngành nghề khác 26%; giá trị sản xuất
bình quân trên 1 ha đất canh tác và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 90 triệu
đồng/ha tăng 40 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm
2017 đạt 35 triệu đồng /người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 7.32% đến năm
2017 (không tính số hộ thuộc diện BTXH) còn 1,9%.
2. Lịch sử truyền thống của xã Gia Tường
- Tháng 10
năm 1945, ba xã Bất Một, Kiến Phong; Phục cổ hợp nhất thành xã Văn Hóa, năm
1949 xã Văn Hóa đổi tên thành xã Gia Tường, gồm các thôn An Nội, Mỹ Quế, Ngọc
Thự, Đầm Bái, Sơn Cao; Phú Nhiêu, Đế Hạ, Cổ Định.
- Năm 1954
các thôn Phú Nhiêu, Đế Hạ, Cổ định sáp nhập vào xã Đức Long; năm 1977 hai huyện
Gia Viễn, Nho Quan hợp nhất thành lập huyện Hoàng Long.
- Năm 1981
huyện Hoàng Long tách thành 2 huyện Hoàng Long và Gia Viễn, xã Gia Tường thuộc
huyện Hoàng Long.
- Xã Gia
Tường ngày nay gồm có 7 thôn: Kiến Phong, Công Luận, An Nội, Mỹ Quế, Ngọc Thự,
Đầm Bái, Sơn Cao.
Các cuộc
đấu tranh, phong trào cách mạng của quần chúng ở xã thuộc 2 huyện Gia Viễn, Nho Quan do Đảng cộng
sản lãnh đạo, nhất là những năm 1936 – 1945 tác động đến nhân dân tổng Bất Một.
Tháng 6 năm 1943 các chi bộ đảng tổ chức treo cờ Đảng, dải truyền đơn kêu gọi
đấu tranh cách mạng ở khu vực Cầu Đế. Sau đó phong trào cách mạng trong huyện
tác động rất mạnh đến các xã Bất một, Kiến Phong, Phục cổ sớm tiếp thu đường
lối cách mạng thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng tại căn cứ cách mạng
Quỳnh Lưu ( Nho Quan).
Năm 1945,
cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào giai đoạn cuối, Trước tình hình
đó, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “ Nhật - Pháp bắn nhau và hành
động của chúng ta” ngày 12/3/1945) chủ trương phát động cao trào kháng nhật cứu
nước tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày
22/8/1945, đoàn cán bộ Việt Minh huyện Gia Viễn gồm các đồng chí Đinh Xuân Đồng
(thôn Sơn Cao), Vũ Công Hoan, Đoàn Văn Hồng, Nguyễn Văn Nam về các xã Bất Một,
Kiến Phong, Phục Cổ tuyên truyền phát động, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cán bộ huyện cùng
một số cốt cán các xã tập hợp quần chúng làm cuộc mít tinh tại chùa An Nội.
Thực hiện
sự chỉ đạo của huyện, tháng 10/1945, ba xã gồm: Bất một, Kiến Phong, Phục Cổ
hợp nhất thành lập xã Văn Hóa. Ông Nguyễn Văn Huy làm chủ tịch ủy ban nhân dân
xã. Ông Quách Văn Sính (Mỹ Quế) làm chủ nhiệm xã bộ Việt Minh, ông Phùng Văn
Bằng (Kiến Phong) làm bí thư đoàn thanh niên cứu quốc xã, bà Đinh Thị Duân (Sơn
Cao) làm bí thư hội phụ nữ cứu quốc xã, ông Quách Văn Duệ ( Đế hạ) làm bí thư
hội nông dân cứu quốc xã.
Quán triệt
chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Trung ương Đảng (ngày 22/12/1946),
hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã bộ
Việt Minh, chính quyền xã phát động quân dân địa phương cùng cả nước đứng lên
chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền tự do dân chủ. Thực hiện chủ trương
của Đảng về thống nhất tập trung lãnh đạo kháng chiến, uỷ ban hành chính xã và
uỷ ban kháng chiến xã hợp nhất thành uỷ ban hành chính kháng chiến. Nhân dân xã
Văn Hoá tích cực thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến với tinh thần tất cả
cho kháng chiến. Xã huy động hàng trăm lượt người tham gia hàng nghìn ngày công
cùng các xã trong huyện đào hố chữ chi (Z) cắt đứt từng đoạn trên đường 12B
(đoạn qua xã), đường 59 nhằm ngăn cản xe cơ giới và bước tiến quân của địch.
Tham gia phá dỡ nhà cao tầng khu vực huyện lỵ (thị trấn Nho Quan) và ở khu vực
cầu Đế (thôn Kiến Phong) thực hiện vườn không nhà trống (vì đây là đầu mối giao
thông thuỷ bộ) không cho địch lợi dụng điểm cao đặt hoả lực khi chúng tấn công
vào địa bàn. Nhân dân toàn xã đóng góp hàng nghìn cây tre làm chông xây dựng
trận địa đánh quân nhảy dù đổ bộ đường không cắm trên các cánh đồng bằng phẳng
như Cầu Bổng, Bái Bạc. Giúp đỡ, bảo vệ an toàn xưởng in Báo Cứu quốc.
Ngày
12/02/1948, đồng chí Đoàn Quang Phong cán bộ Huyện ủy Gia Viễn tổ chức thành
lập chi bộ đảng xã Văn Hóa, tại thôn Đầm Bái (nhà ông Vũ Văn Thái) gồm 3 đảng
viên: Đặng Văn Bào, Nguyễn Văn Huy, Quách Văn Khiết. Đồng chí Đặng Văn Bào được
chỉ định làm bí thư chi bộ. Thời gian này ông Đinh Văn Trưng làm chủ tịch ủy
ban hành chính kháng chiến xã.
Chi bộ đảng
xã Văn Hoá ra đời là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa rất sâu sắc trong
đời sống xã hội ở địa phương. Từ đây, xã Văn Hoá có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh
đạo phong trào kháng chiến kiến quốc ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của xã bộ
Việt Minh, chi bộ Đảng, uỷ ban kháng chiến hành chính xã, nhân dân xã Văn Hoá –
Gia Tường tích cực tham gia các hoạt động xây dựng lực lượng kháng chiến, đẩy
mạnh sản xuất, đóng góp ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, du kích. Đặc biệt,
lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu phục vụ chiến đấu đánh địch,
lập thành tích xuất sắc góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, nuớc ta hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta được tự do,
hạnh phúc. Trải qua kháng chiến, Xã Gia Tường được nhà nước tặng thưởng 55 huân
chương kháng chiến, huy chương kháng chiến cho cá nhân và tập thể, có ....liệt
sĩ, ... thương binh.
Đảng bộ xã
Gia Tường đã kế thừa và phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng của Đảng
bộ, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị
trên địa bàn. đảng bộ và nhân dân Gia Tường hăng hái hưởng ứng tích cực tham
gia chiến dịch sản xuất Hà Nam Ninh toàn thắng do tỉnh ủy phát động và phong
trào thi đua sản xuất do huyện uỷ phát động, phong trào thi đua, các hợp tác xã
phát động phong trào vượt khoán, hợp nhất 3 hợp tác xã nông nghiệp quy mô thôn
thành lập hợp tác xã quy mô toàn xã và nhiều phong trao thi đua khác. Triển
khai thực hiện chủ trương chính sách kinh tế mới Đảng bộ Gia Tường lãnh đạo chỉ
đạo tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm (1981-1985) xây dựng phát triển kinh tế
theo hướng mới tinh thần làm cho sản xuất bung ra, giải phóng mọi năng lực sản
xuất, triệt để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Từ năm 1986 - 2010
Đảng bộ lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nông dân xã viên hợp tác xã được giao quyền sử
dụng ruộng đất ổn định lâu dài, chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh. Tình hình
kinh tế, văn hóa- xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng
lên rõ rệt.
Từ năm
2011- 2017 thực hiện Chủ trương đường lối của Đảng về thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015; 2016-2020 Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Tường đã nỗ lực phấn đấu vươn lên toàn diện
trên các lĩnh vực. Kinh tế không ngừng tăng trưởng; văn hóa – xã hội có nhiều
khởi sắc; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa từ trung tâm xã
đến các thôn được nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp xây dựng khang trang,
sạch đẹp. Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, niềm tin của nhân dân đối với
sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường. Nhờ đó, từ một xã kinh tế nông
nghiệp nghèo nàn, lạc hậu nay nông thôn xã Gia Tường đã có bước phát triển khá
toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Kinh tế duy trì tốc
độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
3 - Công tác
phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân:
Trên địa
bàn xã đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hoá theo lợi thế,
chủ lực và mang tính chiến lược như vùng Lúa giống tại thôn Sơn Cao, vùng nuôi
trồng thủy sản lúa - cá tại thôn Mỹ Quế, Ngọc Thự, Đầm Bái, Sơn Cao.
- Về sản
xuất nông nghiệp: chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng
cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của từng thôn.
Diện tích
gieo trồng cả năm 2017 là 818,9ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt
4.196,1 tấn; chăn nuôi 658 con trâu, bò, 1.793 con lợn, 42.990 con gia cầm; vật
nuôi khác 2.813 con. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 44 ha, năng xuất bình quân
đạt 132 tấn thủy sản/năm.
Trên địa
bàn xã có 04 trang trại, 10gia trại có thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 500
triệu đồng /hộ/năm.
Xã đã hoàn
thành công tác dồn điền đổi thửa, tổng diện tích thực hiện 464,5 ha, nhân dân
hiến đất để làm giao thông, thủy lợi là: 7,2 ha; kinh phí nhân dân đóng góp 563
triệu đồng. Trước dồn điền đổi thửa bình quân số thửa/hộ là 11,2 thửa/hộ, sau
dồn điền đổi thửa bình quân 4 thửa/hộ; khối lượng làm giao thông, thủy lợi nội
đồng là 21.000 m3.
Cơ giới hóa
nông nghiệp được đẩy mạnh, toàn xã có 135 máy làm đất loại nhỏ, 01 máy gặt liên hoàn, tăng 60 máy so với năm
2010.
- Về Thương
mại và dịch vụ: Trên địa bàn xã có 01 chợ truyền thống, 231 hộ sản xuất kinh
doanh ngành nghề phi nông lâm nghiệp, với trên 500 lao động tham gia hoạt động
thường xuyên, trong đó công nghiệp 51 hộ, vận tải kho bãi 23 hộ, thương mại 130
hộ, dịch vụ 27 hộ. Tổng giá trị sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp ước đạt 12
tỷ đồng/năm.
4. Công tác thi đua khen thưởng:
Trong những
năm qua, xã Gia Tường đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn
dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng
đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục
tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện
tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng
những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh
nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong
trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng
kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp
nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh
tế - xã hội.
Đảng bộ và
nhân dân xã Gia Tường luôn nỗ lực phấn đấu đến nay đã hoàn thành 20/20 tiêu chí
xây dựng nông thôn mới, được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen và quyết
định công nhận xã Đạt chuẩn nông thôn mới tháng 12/2017.
Đinh Hoàng Minh