UBND Xã Gia Sơn


1. Điều kiện tự nhiên và  tình hình phát triển kinh tế xã hội

Xã Gia Sơn là xã miền núi, ở phía  đông bắc huyện Nho Quan, cách trung tâm huyện 12 km, cách thành phố Ninh Bình 35km; phía Bắc giáp xã Xích Thổ; phía tây giáp xã Gia Lâm; phía nam giáp xã Gia Thủy; phía Đông giáp xã Gia Hưng huyện Gia Viễn. Toàn xã có 7 thôn, trong đó có 1 thôn (Hạnh Phúc) thuộc diện đặc biệt khó khăn; dân số đến hết năm 2018 có 1.162 hộ với 4.390 khẩu sinh sống tại 7 thôn: thôn Hạnh Phúc, thôn Đông Minh, thôn Thanh Quyết, thôn Quang Trường, thôn Xuân Long, thôn Nga Mai, thôn Ninh Thủy, trong đó dân tộc thiểu số 121 người, (chiếm 3%); công giáo 62 người (chiếm 1,5%).

Tổng diện tích đất tự nhiện của xã là 750,42 ha; trong đó đất nông nghiệp là 451,6 ha (chiếm 60,2%); mặt nước 45,4 ha, (chiếm 6%); đất lâm nghiệp: 79 ha (chiếm 10,5%); đất chưa sử dụng 27,3 ha (chiếm 3,6%).

Về công tác giáo dục, trên địa bàn xã có 03 trường học: 01 trường Mầm non, 01 trường Tiểu học và 01 trường THCS. Các trường học phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm học và giữ vững danh hiệu trường Chuẩn quốc gia, trường học văn hóa, đặc biệt trường Mầm non đạt chuẩn giai đoạn 2.

Công tác y tế của xã tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác y tế tuyến cơ sở. Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và đổi mới các nội dung hoạt động chuyên môn, đảm bảo đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia theo kế hoạch. Năm 2016 được thẩm định, công nhận là đơn vị đạt chuẩn bộ Tiêu chí quốc gia về y tế (giai đoạn 2016 – 2020). Hiện nay, trạm Y tế xã có 5 giường bệnh phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Hệ thống giao thông của Gia Sơn khá thuận lợi cho việc thông thương, đi lại của nhân dân. Xã có tuyến tỉnh lộ 479 theo hướng từ xã Gia Lâm qua Gia Sơn đi Xích Thổ; đường liên xã chạy từ xã Gia Thủy qua khu trung tâm của xã đi Xích Thổ (dài 4km). Phía Đông có dòng sông Bôi chảy qua, là ranh giới giáp xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn).

Đảng bộ xã có 272 Đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ, nhiều năm liền Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đều đạt trong sạch vững mạnh, có nhiều năm đạt xuất sắc, Đảng bộ và chính quyền xã Gia Sơn đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ về Xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc năm 2014. Năm 2017, xã  Gia Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký Quyết định số 596/QĐ-UBND công nhận xã Gia Sơn, huyện Nho Quan đạt danh hiệu ˝Xã đạt chuẩn Nông thôn mới”.

2. Lịch sử, truyền thống của địa phương.

Gia Sơn là một xã miền núi của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước năm 1945 là 3 xã Ỷ Na, Bất Xỉ và Nga My thuộc Tổng Đề Cốc huyện Gia Viễn.

Từ tháng 10/1945 đến tháng 9/1949 vùng này thuộc xã Thái Bình và một phần thuộc xã Ngọc Liên, xã Hợp Hòa; Từ tháng 9 năm 1949 đến tháng 12 năm 1953 các xã Thái Bình, Ngọc Liên và Hợp Hòa sáp nhập lấy tên là xã Gia Lâm.

Tháng 12/1953, thực hiện Quyết nghị số 454-TC/NB của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình xã Gia Lâm, tách thành 3 xã Gia Lâm, Gia Thủy và Gia Sơn.

Ngày 27/4/1977, thực hiện Quyết định số 125-CP của Hội đồng Chính Phủ, xã Gia Sơn thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Nam Ninh.

Ngày 23/11/1993, thực hiện Nghị định số 88-CP huyện Hoàng Long đổi tên thành huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Tên gọi ngày nay: Xã Gia Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Gia Sơn là nơi có phong trào cách mạng vững mạnh. Ngày mùng 6 tháng 3 năm 1947, tổ chức cơ sở Đảng được thành lập, Dưới sự lãnh đạo của Đảng cuộc kháng chiến chống pháp của lực lượng vũ trang xã Gia sơn phát triển rất mạnh mẽ. Ngay từ những ngày đầu giành chính quyền, xã đã thành lập được trung đội dân quân cơ động, sau đó chuyển thành các đại đội du kích tập trung của xã, có trang bị vũ khí như súng trường, lựu đạn, dao găm, mã tấu... tổ chức luyện tập quân sự phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu, hàng trăm thanh niên tham gia bộ đội chủ lực, đặc biệt là tham gia các chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1951, chiến dịch Tây Nam Ninh Bình năm 1953.

 

Ảnh: Trận địa tên lửa và pháo phòng không bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ (năm 1965)

Từ ngày 11 đến ngày 13/8/1965, Đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá các khu căn cứ của tỉnh Ninh Bình. Tiêu biểu nhất là trận đánh ngày 13/8/1965, một tốp A.4-D luồn lách qua các khe núi thuộc huyện Gia Viễn lao tới trận địa tên lửa giả của ta trên đồi Hạnh Phúc. Tại đây, chiếc máy bay đi đầu bị bắn đứt làm đôi và rơi tại chỗ. Khoảng 10 phút sau, tốp F.80-U tiếp tục bị bắn tại chỗ.. Theo ghi nhận của nhân chứng của xã, tại các địa điểm như: Đồi Lai, đồi Trầu, đồi Bục diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa các đơn vị tên lửa, pháo phòng không 37 ly và 57 ly với máy bay Mỹ. Tại đây chúng ta đã bắn rơi 08 máy bay địch. Để có thắng lợi này Quân và dân các xã Xích Thổ, Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, đơn vị tên lửa và pháo cao xạ 37 ly và 57 ly. Trận đánh này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc “Nêu cao tinh thần tích cực tiêu diệt địch, quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đánh thắng giặc Mỹ cả ban ngày và ban đêm, diệt gọn từng tốp máy bay địch. Chiến công to lớn đó làm nức lòng nhân dân trong cả nước, nức lòng đồng bào kết nghĩa Bạc Liêu anh hùng”.

Năm 1947, xã Gia Sơn là nơi hoạt động của công binh xưởng thuộc Liên khu 3. Trong thời gian các công binh xưởng đóng tại địa phương, nhân dân nơi đây đã đặt ra cho mình nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề là bảo vệ công binh xưởng được đảm bảo hoạt động an toàn phục vụ tốt cho công tác xản xuất vũ khí. Gia Sơn cũng là nơi đóng quân của các đơn vị công binh, pháo binh, đoàn an dưỡng, đơn vị huấn luyện chiến đấu như: tiểu đoàn 31 Đặc công; Tiểu đoàn 61, Đại đội 7 pháo cao xạ 57 ly (đoàn Thống Nhất).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giao thông đường thủy được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, quân, lương. Dòng sông Bôi chảy qua địa phận xã Gia Sơn chính là một cầu nối vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trên các xóm, làng ven sông Bôi đã được nhà nước lựa chọn xây dựng 05 kho lương thực kiên cố trong khu dân cư, mỗi kho có diện tích trên 1000m2; có 03 kho muối để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Trên địa bàn xã Gia Sơn cũng là nơi tổ chức nhiều lớp chính trị, quân sự, cách đánh du kích, tập võ, đánh côn quyền, giáo mác do cán bộ cấp trên hướng dẫn, huấn luyện cho các cán bộ thôn, xóm, hội viên đoàn thể cứu quốc, thanh niên nòng cốt, đội tự vệ chiến đấu.

 

Ảnh: Dòng sông Bôi (đoạn chảy qua xã Gia Sơn), nơi có kho gạo phục vụ kháng chiến chống Mỹ

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: : Kinh tế tăng tr­ưởng khá và tiếp tục phát triển cơ sở vật chất đ­­ược tăng cường, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đ­ược giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tôt; công tác văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực.

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Gia Sơn đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh.

Đinh Hoàng Minh 

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1