UBND Xã Gia Thủy


1. Điều kiện tự nhiên.

Gia Thủy là xã miền núi, ở phía đông bắc của huyện Nho Quan cách trung tâm huyện 9 km về phía Bắc; địa bàn giáp danh phía Đông giáp xã Gia Hưng huyện Gia Viễn, phía Tây giáp xã Gia Lâm, phía Nam giáp xã Gia Tường, phía bắc giáp xã Gia Sơn. Là xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan. Diện tích tự nhiên 613,29 ha; có 1.710 hộ với 6.178 khẩu với 12 thôn, một thôn theo đạo thiên chúa giáo, 1 HTX nông nghiệp, 2 HTX tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Nghề nghiệp chính của nhân dân xã Gia Thủy là trồng trọt và chăn nuôi, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 95%. Là xã vùng bán sơn địa ngoài đê Hoàng Long trong vùng xả lũ, hàng năm nhân dân trong xã thường phải sống chung với lũ. Thiên tai, mất mùa liên tiếp xẩy ra, cơ sở kinh tế hạ tầng còn thấp kém, công, thương nghiệp còn kém phát triển, cách trung tâm huyện 10 km, tỉnh 30 km, ngân sách xã không có nguồn thu thường xuyên, hằng năm chủ yếu dựa vào trợ cấp của trên, điều kiện phát triển dân sinh, nâng cao trí thức của dân còn hạn chế.

Song nhân dân và cán bộ xã Gia Thủy luôn phát huy truyền thống cách mạng và thành tích  đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả lĩnh vực; nội dung phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, làm nòng cốt trong phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội, các chỉ tiêu cơ bản đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức: kinh tế đạt mức tăng trưởng 10%; ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển khá; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo đạt kết quả khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên; đời sống nhân dân ổn định và phát triển đi lên.

2. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng của địa phương.

Sau khi tách xã Gia Lâm thành 3 xã, xã Gia Thuỷ được thành lập từ năm 1953. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Gia Thuỷ có nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Ở thế kỷ XIX  tổng Đề Cốc, huyện Yên Hoá, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình gồm 4 xã: Đề Cốc, Nga My, Bất Xỉ, Ỷ Na.

Xã Đề cố gồm các thôn: Mỹ Hạ, Đồng Nòng, Đồng Xung, Đề Thượng, Hạnh Phúc. Trong đó có thôn Mỹ Hạ, Đồng Nòng (Mỹ Thượng) thuộc xã Gia Thuỷ ngày nay. Xã Bất Xỉ gồm các thôn: Ngọc Ba, Mai Xá, Kim Đôi và Liên Phương của xã Bất Một, trong đó các thôn: Ngọc ba, Mai Xá, Liên Phương thuộc xã Gia Thuỷ ngày nay. Tổng Uy Tế (Ngọc Nhị) thuộc xã Gia Thuỷ. Huyện Yên Hoá, phủ Thiên Quan gồm 4 tổng, 19 xã, 4 tổng gồm: Vô Hốt, Bất Một, Đề Cốc, Xích thổ. Theo quyết định của thống xứ Bắc Kỳ, ngày 27/8/1921, thực dân Pháp cắt tổng: Bất Một, Xích Thổ, Đề Cố của huyện Yên Hoá sáp nhập vào huyện Gia Viễn, thôn Ngọc Nhị tổng Uy Tế và tổng Đề Cốc.

Từ năm 1946 đến tháng 9/1949 gồm các xã: Xã Ngọc Liên: Có thôn Ngọc Ba, Ngọc Nhị, Mai Xá, Liên Phương. Xã Thái Bình: Có thôn Mỹ Hạ, Nga My, thôn Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thuỷ ngày nay.

Từ tháng 9/1949 đến 10/1953 ba xã Ngọc Liên, Thái Bình, Hợp Hoà hợp nhất lấy tên là xã Gia Lâm. Tháng 10/1953 xã Gia Lâm được tách làm 3 xã là Gia Lâm, Gia Sơn và Gia Thuỷ. Xã Gia Thuỷ gồm các thôn: Mỹ Hạ, Ngọc Ba, Ngọc Nhị, Mai Xá và Liên Phương.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 125/CP huyện Gia Viễn hợp nhất với huyện Nho Quan thành huyện mới gọi là huyện Hoàng Long, Gia Thuỷ thuộc huyện Hoàng Long. Ngày 9/4/1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 151/CP tách 20 xã phía Đông Bắc huyện Hoàng Long để tái lập huyện Gia Viễn, xã Gia Thuỷ thuộc huyện Hoàng Long. Theo Nghị định 88/NĐ-CP ngày 23/11/1993 của Hội đồng Chính phủ, huyện Hoàng Long được đổi lại tên là huyện Nho Quan, xã Gia Thuỷ thuộc huyện Nho Quan. Đến năm 2010, xã Gia Thuỷ có 12 thôn: Mỹ Thượng, Mỹ Thịnh, Cây Xa, Mỹ Lộc, xóm Chùa, Mai Xá, Hoàng Long, Minh Giang, Ngọc Sơn, Tân Sơn, Ngọc Nhị, Liên Phương.

Nhân dân Gia Thuỷ phần lớn theo tín ngưỡng dân gian, thờ cúng ông bà tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc, một bộ phận nhân dân theo đạo Phật, có 138 hộ gồm 705 nhân khẩu theo đạo Công giáo. Gia Thuỷ là nơi có nhiều đình đền, thờ những người có công với làng với nước, trong đó tiêu biểu như đình thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở khu đất giữa làng Mỹ Hạ, được xây từ thời nhà Lê, trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long ngài đã về đây thăm viếng. Đinh Bộ Lĩnh (tức Cao Cao Hoàng Tổ Đinh Tiên Hoàng Đế) là con trai Đinh Công Trứ là quan thứ sử Châu Hoan (Nghệ An) quê thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng nay là thôn Vân Bồng, Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Mẹ là Đàm Thị Thiềm Nương, bà sinh thành tại Đào Vũ, Mỹ Đề, xã Đề Cốc, Tổng Đề Cốc, huyện Yên Hoa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Nay là thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thuỷ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Bà là con gái của Đàm Viên Ngoại. Bà sinh ngày 15/8, Bà hát hay và giỏi cung kiếm, được quan thứ sử châu Đại Hoàng là Đinh Công Trứ khi đón về phủ. Khi bà đang mang thai, trong một đêm mở tiệc cung phủ có biến, Đinh Công Trứ cho người đưa bà về cố hương để nương tựa và sinh nở. Đêm 15/2/924 năm giáp thân, bà Đàm Thị Thiềm Nương đã sinh ra ấu chúa, vì ấu chúa khóc to như sấm bà mụ đặt tên ấu chúa là Bộ Lĩnh. Sau khi Đinh Công Trứ mất, do nghèo khó bà Đinh thị Thiềm Nương đã cho Đinh Bộ Lĩnh nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự ở Uy Tế (Ngọc Nhị) ngày nay để nương nhờ. Lớn lên Đinh Bộ Lĩnh là người tài trí thông minh đã tập hợp được lực lượng ngày đêm tập luyện, đến khi đủ mạnh, Bộ Lĩnh đã theo cánh quân của Trần Lãm là tướng bạn của Đinh Công Trứ (bố Đinh Bộ Lĩnh) đóng quân ở Kỳ Bộ, Hà Khẩu, Thái Bình. Khi đi Bộ Lĩnh đưa mẫu thân đi cùng. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư chuẩn bị xưng đế cho người về Thái Bình đón thân mẫu nhưng bà ốm nặng không về được và mất ngày 10/10/965 tại Trang Thuỵ Thủ (nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Dân làng làm miếu thờ bà ngay trên mộ bà cùng đình Lộc Thọ. Trong miếu có bức trướng ghi “Miếu thờ quốc mẫu Thiềm Nương Hoàng thái hậu”. Tại miếu có 10 sắc phong của 3 đời vua Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đã ban cấp thôn hiệu “Đinh triều quốc mẫu nhân từ Thiềm Nương thái hậu”, “Thánh hậu miếu mẫu nghi thiên hạ” và “Bát trận tường Thiềm nam thiên hạ, kỳ mã tân hùng nữ trượng phu”.

Tại ngôi nhà trên vườn Long Viên, Mỹ Đề, Đề Cốc (nay là thôn Mỹ Thịnh, xã Gia Thuỷ) nơi bà ở được dân làng lập miếu thờ  mỹ tự “Đông đình Long Viên đốc khánh công chúa” tức thờ bà mụ đã đỡ ấu chúa. Miếu Long Viên còn ghi:

“Thiên sinh thánh đế Hoàng Long Thuỷ

Địa dục anh hùng Thạch Mã Sơn”

Năm 1858, thực dân pháp xâm lược nước ta. Các cuộc kháng chiến chống Pháp để giữ độc lập tự do của nhân dân ta nổ ra ở khắp nơi nhưng cuối cùng đều bị thực dân Pháp dập tắt. Từ sau thất bại của phong trào Cần Vương cho đến trước cách mạng tháng 8/1945 nhân dân Gia Thuỷ chìm đắm trong cuộc sống cơ cực dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Sau khi hoàn thành công cuộc bình định, thực dân Pháp tiến hành đặt ách cai trị để vơ vét của cải, áp bức bóc lột nhân dân ta. Để dễ bề cai trị, Pháp duy trì đội ngũ quan lại phong kiến hèn nhát, bổ sung vào bộ máy chính quyền làm công cụ tay sai cho chúng bóc lột nhân dân ta. Trên địa bàn xã Gia Thuỷ ngày nay cũng như mọi vùng quê khác trên đất nước Việt Nam, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị bao gồm hội đồng hương lý, hội đồng kỳ hào với các chức danh chánh tổng, phó tổng, chánh hội, phó hội, lý trưởng, phó lý và một số người giúp việc như thư ký, hộ lại, trưởng bạ, trương tuần…. phụ trách “nội gia cư, ngoại đồng điền”. Bên cạnh  là hương lý, kỳ hào có Hội đồng kỳ lão gồm những người cao tuổi trong làng, Hội đồng tộc biểu do chúng dựng lên về danh nghĩa hội đồng tộc biểu là tổ chức thể hiện quyền dân chủ do mội dòng họ cử một người đại diện, nhưng thực chất hội đồng này bị chính quyền tay sai thao túng để phục vụ cho hoạt động cai trị của chúng. Như vậy, bộ máy cai trị của thực dân phong kiến được tổ chức tới tận dòng họ trong các thôn làng. Được thực dân khuyến khích dung túng, bộ máy chính quyền tay sai ở làng xã ra sức áp bức, bóc lột nhân dân, trong đó người nông dân là đối tượng phải gánh chịu mọi hậu quả do bọn thực dân, phong kiến gây ra. Nhân dân Gia Thuỷ sống chủ yếu về nghề làm ruộng nhưng vì thiếu ruộng phải đi cày thuê, cấy mướn. Ở mỗi thôn có những nghề phụ khác nhau: thôn Mỹ Hạ, người dân chuyên lên rừng chặt nứa, giang, lấy nâu, đào củ và một số lâm thổ sản khác về bán lấy tiền sinh sống. Ở thôn Ngọc Nhị, người dân có nghề đi trao đổi hàng hoá (dân địa phương gọi là: đổi rõm), làm bánh, chạy chợ là kế sinh nhai. Thôn Ngọc Ba hầu hết là tá điền không có nghề gì khác. Thôn Liên Phương: Thượng chí Đầm Đa, hạ chí Ngô Đồng chuyên nghề bắt cá trên sông và cá đồng khi nước dâng lên. Thôn Mai Xá có nghề thợ nề.

Cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược xã Gia Thuỷ là căn cứ của nghĩa quân Hiệp Đề. Giặc Pháp đánh chiếm Ninh Bình lần thứ nhất (5/12/1873), lần thứ hai (22/10/1883). Tuy tỉnh lỵ đã về tay giặc Pháp nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân không hề bị dập tắt, trái lại càng sôi sục, mạnh mẽ. Đinh Công Tráng (Lãnh Tràng) người đã tổ chức nhân dân kháng chiến chống Pháp ở Ba Đình (Thanh Hoá) ông tuyển mộ quân, sắm vũ khí và liên lạc với các thủ lĩnh nghĩa quân khác ở Ninh Bình như Nguyễn Xuân Giá, Hoàng Văn Tuấn, Phạm Nhân Lý...cùng hợp sức chống giặc Ở Đề Cốc có ông Đinh Ngọc Nhụ sinh năm Canh Tý thường gọi là Hiệp Đề (Hiệp là hiệp trưởng, Đề là Đề Cốc) ông đỗ cử nhân thời Tự Đức được bổ nhiệm chức chánh hiệp ở tổng Đề. Khi Tự Đức ký hiệp định chấp nhận quyền bảo hộ của người Pháp, ông Hàm Nghi chống lại Tự Đức, giao cho Nguyễn Quang Bích thống lĩnh Bắc Kỳ truyền hịch kêu gọi văn thân chống Pháp, ở Ninh Bình có ông lang Mường Quách Công Ngân (đốc Tâm) theo ông Bích. Ông Ngân đã liên hệ với Hiệp Đề xây dựng căn cứ chống Pháp. Đề Cốc vừa là trung tâm tập hợp lực lượng khởi nghĩa vừa là đồn luỹ đánh giặc, từ đây nghĩa quân mở rộng hoạt động ra vùng Gia Viễn.

Truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó trong đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm là cội nguồn sức mạnh tinh thần của nhân dân Gia Thuỷ, truyền thống quý báu đó được phát huy mạnh mẽ từ khi có Đảng Cộng sản ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Gia Thuỷ sẵn sàng vùng lên đấu tranh giành lại quyền độc lập tự do, xây dựng đời sống mới.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng. Đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành được những kết quả quan trọng như: “Kinh tế tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; năng xuất lúa phấn đấu năm sau cao hơn năm trước; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng được củng cố; hiệu lực quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền được nâng lên; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tốt”

4. Danh hiệu thi đua.

Trong những năm qua, xã Gia Thủy Thành đã phát động nhiều đợt thi đua, động viên toàn đảng, toàn dân trên địa bàn xã thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức trên địa bàn xã. Thực hiện tốt công tác tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân, những tấm gương người tốt việc tốt đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời đã động viên cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh.

Giấy khen cho nhân dân và cán bộ số 3858 ngày 20/11/2013 của Chủ tịch UBND huyện Nho Quan đã có thành tích trong sản xuất vụ đông xuân năm 2012 – 2013; Giấy khen cho nhân dân và cán bộ số 2313 ngày 8/7/2014 của Chủ tịch UBND huyện Nho Quan đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng cụm an toàn giáp ranh; Giấy khen cho nhân dân và cán bộ số 3195 ngày 28/7/2015 của Chủ tịch UBND huyện Nho Quan đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định số 521 của Thủ tướng về ngày hội toàn dân thi đua bảo vệ tổ quốc; Giấy khen cho nhân dân và cán bộ xã Gia Thủy có thành tích xuất sắc trong việc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 ngày 02/6/2016.


Đinh Hoàng Minh 

 

 

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1