UBND xã Cúc Phương


           I. Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội.

1. Đặc điểm địa lý

Xã Cúc Phương là xã vùng cao thuộc huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách thị trấn huyện Nho Quan về phía tây 15 km.

Phía Đông giáp xã Văn Phương, xã Văn Phú huyện Nho Quan.

Phía Tây giáp xã Thành Minh và xã Thành Yên thuộc huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.

Phía Nam giáp xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan.

Phía Bắc giáp xã Yên Quang của huyện Nho Quan; huyện Yên Thuỷ, huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình.

Trải qua các thời kỳ lịch sử xã Cúc Phương ngày nay đã được mang nhiều tên gọi khác nhau. Trước năm 1930, đã hình thành 2 xã. Xã Chi Cái thuộc tổng Văn Luận; xã Yên Bạc thuộc tổng Quỳnh Lưu. Năm 1930, chế độ phong kiến thực dân đã hợp nhất 2 xã này và đặt tên là xã Cúc Phương thuộc tổng Văn Luận phủ Nho Quan.

Trước năm 1930 xã Cúc Phương có 49 hộ, 205 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mường.

Cuối năm 1945 đầu năm 1946, xã Cúc Phương được đổi tên thành xã Phú Vinh. Xã Phú Vinh được mở rộng địa giới hành chính bao gồm xã Cúc Phương và một số bản của xã Kỳ Phú như: bản Ao Lươn, bản Mét, bản Kỳ Lão.

Tháng 4/1949, xã Phú Vinh chia tách 3 bản của xã Kỳ Phú, sáp nhập với một số thôn của xã Minh Đức và xã Yên Mông đặt tên là xã Quang Trung.

Đến tháng 11/1953 xã Quang Trung được tách ra thành 3 xã gồm xã Yên Quang, xã Văn Phương và xã Vinh Quang.

 Tháng 4/1965 xã Vinh Quang được đổi tên thành xã Cúc Phương cho đến nay.

Trước năm 1986 xã Cúc Phương có tổng diện tích là 11.350 ha. Sau khi Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện việc chuyển dân ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia, từ năm 1986 đến năm 1990 địa giới hành chính xã Cúc Phương được mở rộng và có sự thay đổi, Diện tích tự nhiên là 12.373,51 ha; trong đó diện tích đất canh tác là 453,81 ha; đất đồi rừng lâm nghiệp là 340 ha, diện tích núi đá, đất có đá lộ đầu là 232 ha; còn lại là diện tích rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia quản lý.

Năm 2000 xã Cúc Phương có 10 thôn, 470 hộ, 2680 khẩu, 96% là người dân tộc Mường. Năm 2017 dân số là 3189 khẩu, 867 hộ.

Tên làng, tên xóm có sự thay đổi theo từng thời kỳ cách mạng. Sau cách mạng tháng 8/1945 Cúc Phương có 8 làng: làng Nga, làng Sấm, làng Đang, làng Mạc, làng Đồng Cơn, làng Đăn, làng Lá Mền, làng Bống.

Năm 1987 sau khi chuyển dân đợt 1, 4 làng Đồng Cơn, Đăn, Lá Mền, Bống ra khỏi Vườn Quốc gia Cúc Phương quản lý, xã Cúc Phương có sự thay đổi tên làng: Làng Nga tách ra thành 3 thôn; Nga1, Nga2, Nga3. Làng Sấm tách ra thành 3 thôn; Sấm 1, Sấm2, Sấm3. Bốn làng chuyển địa điểm mới lập thành 2 thôn, thôn Đồng Quân và thôn Đồng Tâm.

Năm 1990 chuyển dân đợt 2 ra khỏi Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm có 2 làng, làng Đang và làng Mạc đến địa điểm mới thành lập thôn Đồng Bót.

Năm 1994 thành lập thôn Bãi Cả gồm 34 hộ dân ở 4 thôn Sấm1, Sấm2, Sấm3 và Nga1 chuyển đến theo quyết định dãn dân của UBND tỉnh Ninh Bình.

Năm 2001 Vườn Quốc gia Cúc Phương bàn giao số hộ là cán bộ công nhân viên của Vườn đã nghỉ hưu về xã quản lý theo công văn chỉ đạo của Huyện uỷ Nho Quan thực hiện theo nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Kinh tế xã hội

Về trồng trọt :

Tổng diện tích gieo trồng đất nông nghiệp kể cả 2 vụ là 511,5 ha, trong đó diện tích đất 2 lúa 6,5 ha, diện tích đất lúa màu 130 ha, còn lại là diện tích đất màu. Các loại cây trồng chủ yếu của xã hiện nay là cây mía đường (216 ha), sắn (40 ha), ngô 130 ha/vụ và một số cây khác …Thu nhập từ cây công nghiệp ước đạt 12 tỷ đồng;

Về chăn nuôi:
          Tổng đàn trâu bò 1178 con, Hươu 538 con, Nhím 300 con, Dê 1.266 con, Ong 731 đàn, Lợn 1.235 con, Gia cầm 20.900 con. Thu nhập từ các loại con nuôi ước đạt 17 tỷ đồng

Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 21 triệu đồng/người/năm.

 Thế mạnh địa phương là kết hợp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và phát triển kinh tế đồi rừng, trên địa bàn xã diện tích rừng phòng hộ khoanh nuôi bảo vệ là 163 ha, rừng sản xuất là 93,4  ha, bảo vệ rừng đặc dụng Vườn Quốc gia là 660 ha. Tận dụng để kết hợp phát triển các loại cây trồng như bương, tre, nứa, để nâng cao giá trị kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

 Trên địa bàn có 01 công ty đang hoạt động kinh doanh (Công ty resort &villa); 1 công ty đang thi công và đơn vị Vườn Quốc gia Cúc Phương trực thuộc Cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Dịch vụ, du lịch, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đang từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân. Toàn xã có 39 cơ sở kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, 7 ô tô vận tải hàng hóa, 25 máy cày bừa to, nhỏ, 02 máy xay sát, và 02 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

- Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, NH Nông nghiệp với tổng số trên 700 lượt người được vay vốn. Đến nay tổng dư nợ ở các ngân hàng 25 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân có vốn  phát triển kinh tế, ngoài ra còn tổ chức lớp tập huấn để hướng dẫn cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích.

Về văn hóa- xã hội

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư có hiệu quả, đến năm 2017 có 9/10 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 70%, giữ gìn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường, các phong trào văn hóa thể dục thể thao phát triển. Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia năm 2005; trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2009; trường THCS Cúc Phương đạt chuẩn tháng 6/2018; trạm y tế đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2014; Năm 2017 xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới; chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng. Toàn xã có 32 người thuộc đối tượng chính sách người có công, 121 đối tượng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2017 có 87 hộ tỷ lệ 10,02%.

II. Truyền thống lịch sử và con người xã Cúc Phương.

Cúc Phương là xã nông nghiệp, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, là xã vùng cao, có 86% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, qua nhiều đèo cao như dốc Sườn Bò, Quèn Thạch. Trước năm 1963 dân cư đi lại bằng các đường mòn, điều kiện đi lại khó khăn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống vật chất, tinh thần hoàn toàn cách biệt với khu vực ngoài đồng bằng. Qua các di tích khảo cổ ở hang động Người Sưa thì đất Cúc Phương là nơi cư trú của những tộc người cổ nhất Việt Nam sống cách đây 7000 - 7500 năm. Vào khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, một số dòng họ của người Mường từ tỉnh Hoà Bình và tỉnh Thanh Hoá di cư đến như: họ Bùi, họ Quách, họ Hà, họ Đinh. Một số tìm cuộc sống, một số do chạy loạn đã tụ họp về Cúc Phương để khai hoang làm ăn sinh sống, thời kỳ này được gọi là “Mường Chi cái”. Qua xác minh tìm hiểu thì dân tộc Mường đã có ở Cúc Phương từ 600 đến 700 năm, dòng họ sống lâu nhất là họ làng Khều, họ làng Chiếng, tuy mỗi dòng họ khác nhau nhưng khi tụ họp về Cúc Phương đều mang họ Đinh.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân phong kiến không chú ý quan tâm đến việc xây dựng, mở mang đường xá, việc đi lại của nhân dân chủ yếu là trèo đèo lội suối, giao thông đi lại là những con đường mòn. Đời sống của người dân vô cùng khổ cực, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là ngô - khoai - sắn, lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, điều kiện tự nhiên khí hậu khắc nghiệt cộng với chính sách bóc lột về kinh tế, áp bức về tinh thần của thực dân phong kiến đã làm cho đời sống của người dân Cúc Phương vô cùng cơ cực, túng thiếu. Hàng năm lương thực chỉ đủ ăn khoảng 1 đến 2 tháng, còn lại hoàn toàn phải dựa vào rừng núi để kiếm sống. Đời sống văn hoá của nhân dân trước cách mạng tháng Tám rất lạc hậu, 95% dân số mù chữ, tuổi thọ bình quân thấp từ 45 - 50 tuổi, trẻ em sinh ra thường chết non. Chế độ thực dân không lo mở mang trường học, trạm xá để chăm sóc sức khoẻ, học hành cho nhân dân, chúng khuyến khích các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn đồi truỵ như: Cờ bạc, rượu chè, khao vọng, mua quan bán tước, ma chay, cưới xin, ăn uống linh đình, mê tín dị đoan đồng bóng bói toán, hầu hết ở làng nào cũng có. Càng về những năm cuối của chế độ thực dân phong kiến chúng càng ráo riết vơ vét, bóc lột, cướp bóc làm cho nhân dân vô cùng căm phẫn.

 Mặc dù dưới chế độ hà khắc của thực dân phong kiến như vậy nhưng những nét văn hoá, bản sắc truyền thống lâu đời của người Mường Cúc Phương vẫn được nhân dân gìn giữ như Phường bùa (hát sắc bùa) hàng năm vào ngày tết nguyên đán đầu xuân, nhân dân tổ chức thành từng đoàn (gọi là Phường) dùng đủ các loại Cồng, Chiêng, đi đến từng nhà, không kể nhà giàu, nghèo, quan lang hay dân thường để hát Sắc bùa cầu chúc cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn. Thanh niên nam nữ gặp nhau thường tổ chức hát giao duyên (Bọ Mẹeng) hình thức hát đối đáp bằng tiếng mường, các cụ già những ngày hội, ngày tết tổ chức thi hát (Rằng Xường) là hình thức thi thố tài năng ứng xử, chắp nối, đối đáp những câu chào, chúc, khen, chê làm sao hai bên đều ăn khớp, bắt nhịp với nhau. Các trò chơi dân tộc hàng năm đều  được tổ chức từ xã đến các làng như tung còn, chơi đu, bắn nỏ, đi kà kheo, rước kiệu luôn được người dân tham gia tích cực. Trang phục nam nữ, chăn màn đều do người dân tự dệt, may theo kiểu dân tộc, các cô gái mường trong thời kỳ này đại đa số biết trồng bông, dệt vải, dệt thổ cẩm, tự sắm sửa quần áo, chăn màn, gối đệm cho bản thân và gia đình mình.


Ủy ban nhân dân xã Cúc Phương 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1