UBND Xã Phú Lộc


           1. Đặc điểm địa lý

Xã Phú Lộc là một xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cách thị trấn Nho Quan 12km về phía Nam.

Tổng diện tích tự nhiên của xã: 860ha, địa hình của xã được phân thành 2 vùng rõ rệt: vùng đồi rừng và vùng chiêm trũng.

Phía Đông giáp xã Quỳnh Lưu huyện Nho Quan

Phía Tây giáp xã Văn Phú, huyện Nho Quan

Phía Nam giáp xã Phú Long, xã Kỳ Phú huyện Nho Quan;

Phía Bắc giáp xã Sơn Thành, xã Thanh Lạc huyện Nho Quan.

Hiện nay có một đơn vị bộ đội là Lữ đoàn 202 đóng quân trên địa bàn xã Phú Lộc.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, vùng đất xã Phú Lộc ngày nay được thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, vùng đất này thuộc 3 xã và 02 tổng: Tam Đồng và Văn Luận. Xã Yên Lại gồm làng Rịa, làng Chạ, làng Giơ, làng Chủ, TRại Xanh (nay là Bản Xanh thuộc xã Kỳ Phú) Xã Phú Khố gồm làng Kho, thôn Thị (một phần làng Ráy). Xã Bái Ngọc gồm làng Điền Tốt, làng Bái Thượng. Các làng Bái Ngọc, Bái Thượng, Đồi Lồng,Lau, Vẹn và một số làng khác thuộc 2 xã Văn Phong, Văn Phương ngày nay thuộc tổng Tam Đồng.

Tổng Văn Luận gồm một số làng trong vùng.

Tháng 8/1945, được phận định thành 3 xã Xã Yên Lại gồm làng Rịa, làng Giơ, làng Chủ, làng Chạ. Xã Vân Lĩnh gồm làng Phú Khố, làng Lai Các. Xã Bái Ngọc gồm các làng Điền Tốt, làng Bái Thượng.

Năm 1946, xã được đổi thành Yên Phú.

Năm 1949 đổi thành xã Văn Phú. Đầu năm 1954, xã Văn Phú tách thành 4 xã gồm VĂn Phú, Yên Phú, Kỳ Phú, Quang Trung. Tháng 7 năm 1964 xã Yên Phú đổi tên thành xã Phú Lộc.

Xã Phú Lộc hiện nay gồm 15 thôn: Lộc Ân, Kho, Rịa, Phúc Lộc, Chợ Rịa, Đồi Chè, Đồi Mít, Đồi thông, Đồi Chùa, Hàm Rồng, Đồi Lại, Yên Thịnh, Yên Thành, Yên sơn và Thống Nhất. Toàn xã có 01 di tích Quốc gia là  và 6 di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh gồm: Chùa Kho - Đền Kho, Đình Hương Thịnh, Đình Bái Ngọc, Đình Làng Giơ, Chùa Tiếu. Ngoài ra xã còn có hồ sinh thái Đồng Chương là một điểm du lịch trong lành thoáng mát nằm dưới chân Đồi Thông thôn Đồi Chè.

2. Về kinh tế - xã hội

Về Kinh tế

a. Phát triển kinh tế nông nghiệp

* Trồng trọt:

Tổng diện tích gieo trồng giữ ổn định ở mức 365 ha/năm, trong đó diện tích cây lương thực có hạt là 361 ha; diện tích lúa – cá 330 ha. Các cây trồng chủ yếu của xã hiện nay là cây lúa; ngô; sắn; mía và một số cây trồng khác. Sản lượng cây lương thực năm 2017 đạt 2.561,6 tấn. 

* Chăn nuôi

Tổng đàn trâu bò 560 con; hươu 70 con, dê 250 con, ong 200 Đàn, lợn trên 4.000 con. Gia cầm trên 18 nghìn con.Xã có 4 trạng trại chăn nuôi lợn và 74 tư gia trại chăn nuôi lợn vừa và nhỏ tổng vốn đầu tư khoảng 43 tỷ đồng.

Thế mạnh của địa phương là chăn nuôi lợn và gia cầm tận dụng mặt nước diện tích ngập nước sau thu hoạch lúa để nuôi trồng thủy sản năm 2017 có 330 ha nuôi thủy sản tổng doanh thu đạt 11.220.000.0000 đồng góp phần nâng cao  thu nhập và đời sống cho nhân dân. Quan hệ sản xuất được củng cố Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất.

b. Về Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại và dịch vụ

Địa bàn xã có Quốc lộ 12B từ Tam Điệp đi Hòa Bình;Quốc lộ 45 từ Thanh Hóa về và tuyến đường du lịch Bái Đính – Cúc Phương, đồng thời cũng là trung tâm giao lưu buôn bán của các xã phía Nam huyện và các vùng lân cận thị xã Tam Điệp, huyện Thạch Thành Thanh Hóa, là trung tâm buôn bán thứ hai của huyện sau thị trấn Nho Quan.

Hệ thống công trình hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật đã được nhà nước hỗ trợ đầu tư tương đối hoàn chỉnh như: Đường giao thông liên xã, trường học các cấp, trạm y tế, công trình thủy lợi, điện, nước… nên có nhiều điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ, nghề thủ công, mang lại thu nhập khá và ổn định cho các hộ dân của xã.

Toàn xã có 08 doanh nghiệp tư nhân và 1.018 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, buôn bán và sản xuất chế biến công nghiệp nhỏ lẻ. Doanh thu ước đạt trên 120 tỷ đồng giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể  tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã, NH Nông nghiệp. Đến nay tổng dư nợ ngân hàng CSXH trên 12 tỷ đồng.

Về văn hóa – xã hội

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đạt kết quả tốt đến năm 2017 có 15/15 khu dân cư văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 1.645 hộ (85,1%); có 03 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa 03 năm liền giai đoạn 2015 – 2017 và 03 cơ quan văn hóa.

Hệ thống truyền thanh 3 cấp được đầu tư nâng cấp hiện đại, xã đã xây dựng hệ thống truyền thanh không dây góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước  đến đông đảo nhân dân.

Phong trào rèn luyện về sức khỏe luyện tập thể dục thể thao phát triển rộng rãi. Các môn thể thao mũi nhọn như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn được duy trì và đạt kết quả cao. Xã đã có 03 câu lạc bộ thể thao đó là Câu lạc bộ Cầu long, câu lạc bộ bong bàn và Câu lạc bộ bóng đá. Toàn xã có 2 sân bóng đá, 5 sân bóng chuyền, 5 sân cầu lông, 5 sân bóng bàn.

Quy mô trường lớp ổn định, cơ sở vật chất của trường học được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, phong trào xã hội hóa giáo dục được quan tâm và phát triển sâu rộng. 100% trẻ em trong độ tuổi đi mẫu giáo, 100% trẻ em học sinh Tiểu học trong độ tuổi đến trường, 97,9% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học Trung học phổ thông. Công tác xây dựng Trường chuẩn Quốc gia được đẩy mạnh, cả 3 trường đều đạt Chuẩn Quốc gia.

Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm; chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng các đối tượng chính sách được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 của xã là 2,37%.

II. Truyền thống và con người xã Phú Lộc

Xã Phú Lộc có trên 6 nghìn dân gồm 2 dân tộc chính là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Dân tộc Kinh chiếm đa số (99,8 %) chỉ có 0,2 % đồng bào dân tộc Mường. Nhân dân trong xã phần lớn là theo đạo Phật, chỉ có khoảng 600 người theo đạo Công giáo chiếm gần 10 % dân số cả xã.

Nghề nghiệp chính của người dân Phú Lộc là làm nông nghiệp; một số hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán, chế biến tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ. Do vị trí giao thông đi lại thuận tiện nên xã Phú Lộc cũng là một trong những xã dẫn đầu về kinh tế của huyện.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước  của dân tộc nhân dân xã Phú Lộc nhiều lần đứng lên tham gia, giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước.cùng với đồng bào cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Ngay từ những năm TCN, trong sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng thành Cổ Loa của An Dương Vương ở làng Giơ (làng Phú Gia) có các ông Phạm Huy và Phạm Ngữ là thuộc tướng của An Dương Vương có công giúp An Dương Vương đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tần, góp phần xây dựng thành Cổ Loa. Sau khi hai ông mất dân làng Phú Gia xây dựng đền thờ để tưởng nhớ và tôn hai ông làm thành hoàng của làng.

Trong cuộc dẹp loạn các sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở làng Kho có 02 vị tướng là Lê Du và Lê Chương tham gia cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn góp phần vào việc thống nhất đất nước. Hiện nay vẫn còn đền thờ hai ông ở phía đông làng Kho.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, nhân dân xã Phú Lộc đã đóng góp nhiều công sức. Sau khi lên ngôi vua Lê đã cho xây dựng căn cứ và hai kho lương thực tại khu vực làng Kho ngày nay. Nhân dân xã Phú Lộc tích cực tham gia đắp đường từ trại Lau sang Đồng Quan qua Mả Xét về làng Kho (con đường đó sau được gọi là đường nhà Lê, hiện nay vẫn còn dấu tích).

Trong chiến dịch Quang Trung kéo quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xân lược cuối năm 1789, vua Quang Trung cho một đội quân hành quân từ Tam Điệp lên Phủ Đồi, ra Rịa lên Thiên Quan. Đạo quân này được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân Phú Lộc.

Trong kháng chiến chống Pháp có cụ Nguyễn Văn Vĩnh cùng đoàn nghĩa dũng gồm 400 người do đốc học Phạm Văn Nghị dẫn đầu vào Huế xin triều đình cho đánh giặc cứu nước. Khi nghĩa quân kéo vào đến Huế thì hiệp ước Mác măng (1883) vừa được ký, triều đình yêu cầu đội quân này quay trở về quê hương làm ăn sinh sống. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh về khu vực làng Chạ tổ chức khai khẩn đất hoang, chờ thời cơ chống giặc.

Năm 1885, thực dân Pháp có âm mưu chiếm vùng đất Yên Lại (nay là xã Phú Lộc), cụ Hào Thường đã vận động nhân dân các làng, trại ra đấu tranh với chủ đồn điền, vận động các già làng làm đơn kiện lên chi phủ Nho Quan, chánh xứ Ninh Bình và chính phủ bảo hộ Pháp yêu cầu không cho chiếm đất của dân.

Năm 1887, hưởng ứng phong trào Cần Vương và cuộc nổi dậy chống Pháp của cụ Phạm Văn Nghị và cụ Bùi Cẩm, cụ Hào Thường đã trực tiếp bắt liên lạc với ông Ngô Tử Liên (tức Quận Chênh) là người được cụ Phạm Văn Nghị tin cậy giao nhiệm vụ xây dựng phong trào chống Pháp ở vùng Nho Quan. Cụ Hào Thường phụ trách căn cứ chống Pháp tại làng Chạ (Phú Lộc).

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã con em xã Phú Lộc giàu lòng yêu nước đã lên đường tham gia đánh giặc cứu nước. Đã có những người con ra đi mãi mãi sử sách đã ghi danh họ là anh hùng liệt sỹ, có những người là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học trở về với đời thường họ tiếp tục xây dựng quê hương Phú Lộc ngày càng giàu đẹp hơn.

Có thể thấy, trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, vùng đất và con người Phú Lộc luôn tích cực tham gia và có những đóng góp về sức người sức của để giành lại độc lập tự do cho dân tộc bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền  nhân dân xã Phú Lộc tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội giữ vững an ninh quốc phòng. Năm 2011 xã được tặng cờ thi đua cấp tỉnh; đến năm 2014 xã về đích Nông thôn mới. Đến nay, các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới vẫn được xã tiếp tục duy trì và giữ vững. Theo đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh Ninh Bình thì xã được quy hoạch thành đô thị Rịa.

Đinh Hoàng Minh 

 

 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1