UBND xã Thanh Lạc

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Thanh Lạc là một xã nằm ở phía Đông Nam, thuộc tiểu vùng đồng chiêm trũng huyện Nho Quan, cách huyện lỵ về phía Đông - Đông Nam 10km. Phía Nam giáp xã Phú Lộc; phía tây giáp xã Văn Phú; phía Bắc giáp xã Thượng Hòa; phía Đông giáp xã Thượng Hòa và xã Gia Minh (huyện Gia Viễn). Diện tích đất tự nhiên của xã Thanh Lạc là 645,6 ha. Diện tích đất nông nghiệp là 384,1 ha.

- Tổng số thôn: 09, Số chi bộ: 13.

- Tổng số hộ: 1.028, Số khẩu: 3.763.

Thanh Lạc có địa hình đồng bằng trũng, tương đối bằng phẳng, xen kẽ trong vùng đất thổ cư là các ruộng canh tác, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và chăn thả cá vụ. Trên địa bàn xã có 2 kênh lớn là kênh Thống nhất và kênh 30 có khả năng cung đất nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân. Diện tích nuôi trồng thủy sản của xã khoảng 2,04 ha, chủ yếu là sông, ao, hồ nhỏ. Tuy nhiên, Thanh Lạc cũng không gặp ít khó khăn do diện tích đất nông nghiệp không nhỏ nhưng lại chỉ có thể cấy được 1 vụ và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trữ lượng nước ngầm khá lớn nhưng chất lượng không tốt và ở độ sâu khác nhau tùy theo mùa và địa hình từng khu vực.

Hệ thống đường giao thông của xã một phần đã được bê tông hóa, phần còn lại là đường cấp phối chưa được bê tông hóa, đường nhỏ hẹp, đi lại còn khó khăn, thường bị lầy lội khi mưa lũ. Trên địa bàn xã có 2 đường bờ kênh lớn là kênh 30 và kênh Thống Nhất đồng thời cũng là trục đường giao thông liên xã chính. Hàng năm, hệ thống đường giao thông cấp xã vẫn được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước và nhân sách của địa phương để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông và đi lại của nhân dân.

Xã Thanh Lạc ngày nay được thành lập trên cơ sở 4 làng: làng Đồng Lạc; làng Thanh Mai có 3 xóm; làng Mèn và làng Lược. Trước cách mạng tháng tám, hai làng Đồng Lạc, Thanh Mai thuộc Tổng Vân Trình, huyện Gia Viễn. Hai làng Lược và Mèn thuộc Tổng Bái Ân, huyện Nho Quan. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tổng Vân Trình được sáp nhập về huyện Nho Quan. Tháng 3 năm 1946, thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ở vùng chiêm trũng Nho Quan thành lập 3 xã: Xã Tân Chính, xã Yên Trường; xã Công Thành. Trong giai đoạn này, làng Đồng Lạc thuộc xã Tân Chính; làng Thanh Mai thuộc xã Yên Trường; làng Mèn, làng Lược thuộc xã Công Thành. Năm 1949, 3 xã Tân Chính, Yên Trường và Công Thành được sáp nhập thành một xã lớn lấy tên là xã Cộng Hòa. Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, tháng 6/1954, Chính Phủ quyết định chia tách xã Cộng Hòa lớn thành 3 xã mới: Xã Cộng Hòa, gồm các làng Đồng Lạc (có 4 xóm), làng Thanh Mai (có 3 xóm), làng Mèn và làng Lược; xã Thượng Hòa, gồm các làng Vân Trình, Vân Trung, Hữu Thường và Yên Chỉ; xã Thành Công (nay là xã Sơn Thành) gồm các làng Ráy, Bái, Ác và làng Lạm, Đồng Dược.

Đến ngày 22/7/1964, theo Quyết định số 199/QĐ-NV của Bộ Nội vụ, huyện Nho Quan đổi tên một số xã, xã Cộng Hòa (được thành lập năm 1954) được đổi tên thành xã Thanh Lạc như ngày nay. Trong quá trình phát triển đi lên, từ 1993, trong cơ cấu hành chính của huyện Nho Quan các xóm được nâng lên thành thôn. Hiện nay, Thanh Lạc có 9 thôn: Thôn Thượng (thuộc làng Đồng Lạc); Thôn Làng (thuộc làng Đồng Lạc); Thôn Dùng (thuộc làng Đồng Lạc); thôn Mới (thuộc làng Đồng Lạc); Thôn Mai Vân (thuộc làng Thanh Mai ); Thôn Mai Trung (thuộc làng Thanh Mai ); Thôn Mai Xuân (thuộc làng Thanh Mai ); Thôn Mèn; Thôn Lược.

Trên địa bàn xã có 11 đình, chùa, miếu và 01 nhà thờ họ Thượng Cẩm thuộc giáo sứ Sào Lâm. Trong đó, chùa Duy Khánh được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2006 và đình hàng xã thờ thánh quý minh đại vương được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2012. Hiện nay, xã cũng đang làm hồ sơ đề nghị công nhận chùa và đình Thanh Mai thờ thánh Tản Viên là di tích lịch sử.

Nghề nghiệp chính của người dân xã Thanh Lạc là nông nghiệp. Tỷ lệ dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp chiếm trên 71,6% tổng dân số trong xã. Trong đó chủ yếu là cấy ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả cá vụ. Hiện nay, trong chăn nuôi trên địa bàn xã đã có hình thức chăn nuôi theo mô hình bán công nghiệp và trang trại nhỏ. Một số gia đình đã đầu tư vào nuôi con đặc sản và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như hươu, nhím, dê. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong xã làm một số nghành nghề dịch vụ như nghề mộc, nghề xây dựng; làm dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ chủ yếu ở ven đường trục xã, liên xã, các thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Các xóm, làng của xã Thanh Lạc ngày nay được hình thành từ rất sớm. Trong những điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt của vùng sình lầy, rậm rạp, lụt lội quanh năm, đã có con người đến khai phá lập xóm. Lập làng sinh cơ lập nghiệp, bằng nghề trồng lúa nước truyền đời. Nhưng dưới chế độ phong kiến, nhất là từ sau khi thực dâ Pháp xâm lược nước ta, đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực. Nguồn sống chính của người dân là làm ruộng, cấy lúa, một năm một vụ chiêm, nhưng phần lớn ruộng đất lại nằm trong tay tầng lớp địa chủ, phú nông trong làng.

Theo số liệu còn ghi lại, ở Đồng Lạc có 400 mẫu ruộng (mẫu Bắc Bộ), thì 200 mẫu là của những gia đình giàu có trong làng. Người nông dân chiếm đến 96% dân số lại chỉ được canh tác khoảng 100 mẫu, nên nhiều gia đình không có đất, phải đi làm thuê. Số ruộng này do Lý trưởng, Chánh tổng quản lý, chia chác theo lệnh của quan trên.

Làm ruộng cấy lúa nhưng cả vùng, cả xã không có công trình thủy lợi, tất cả phụ thuộc vào thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa thì thu hoạch cũng chỉ đạt 50-60 kg/sào, còn chủ yếu là 30-40 kg/sào. Năm nào mưa sớm, nước lũ tràn về là mất trắng, chư akeer người dân phải nộp hàng trăm thứ thuế bất công, vô lý. Nhà ở và việc đi lại vô cùng cực khổ, 100% nhà tranh vách đất, mưa dột, gió lùa. Đường đi, lối lại trong làng, trong xóm từ làng này đến làng bên là đường đất, lối mòn, khúc khuỷu, gập ghềnh, gần như quanh năm lầy lội.

Không những vậy, dưới chế độ thực dân, chúng còn thực hiện chính sách ngu dân, hạn chế việc mở trường học để dạy học, khuyến khích các hoạt động văn hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, những tàn dư của chế độ phong kiến... nhằm ru ngủ, làm suy nhược tinh thần, ý chí đấu tranh của nhân dân ta. Do đó, đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Thanh Lạc hết sức lạc hậu, trên 95% người dân mù chữ. Ở mồi làng, có một giáo viên hương sư dạy trẻ. Mỗi lớp vài chục người học, đặt tại đình, chùa. Người học cũng chỉ là con em của một số gia đình khá giả.

Năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, chúng thi hành chính sách thu thóc “lẫm”, phá lúa trồng đay, phục vụ chiến tranh làm cho đời sống nhân dân ta đã cực khổ trong hơn 80 năm cai trị của thực dân Pháp nay lâm vào cuộc sống cùng cực hơn. Tháng 3/1945, thời tiết khắc nhiệt, trời rét nên nhiều lúa gieo cấp bị chết, bên cạnh đó, chính sách vơ vét của Phát xít Nhật dẫn đến lương thực bị cạn kiệt làm cho gần 2 triệu người dân miền Bắc chết đói. Ở địa  bàn xã Thanh Lạc cũng có hàng trăm người chết đói năm đó.

Đói nghèo, điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt, lại bị phong kiến, thực dân áp bức bóc lột nhưng nhân dân Thanh Lạc biết đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau trong hoạn nạn để vượt lên, cần cù lao động đêm ngày để tồn tại và phát triển, đã thành tập quán truyền đời là rất coi trọng “tình làng nghĩa xóm”, “tắt lửa tối đèn có nhau”, Thương người như thể thương thân”. Truyền thống ấy là cơ sở, là điều kiện xã hội rất căn bản để nhân dân Thanh Lạc nhanh chóng tiếp thu đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam của Bác Hồ và đã cùng nhân dân trong huyện, trong tỉnh khởi nghĩa dành chính quyền thắng lợi vào tháng 8 năm 1945.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, người dân được làm chủ đất nước, càng phát huy cao truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đã góp vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thống nhất Tổ Quốc, cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Thanh Lạc đã từng bước đi lên, đạt được những thành tựu to lớn; Từ một xã nghèo bậc nhất huyện Nho Quan, nay đã trở thành một xã trung bình. Cơ sở vật chất cho đời sống , cho sản xuất đã hình thành tương đối đồng bộ. Gần 80% đường làng, ngõ xóm, đường liên xã, liên thôn đã bê tông hóa, trường học 3 cấp : Mầm Non, Tiểu Học, Trung Học Cơ Sở đã xây cao tầng. Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia cấp 1, TRạm y tế được xây dựng theo tiêu chuẩn. Phòng khám đa khoa khu vực xây dựng tại xã, rất thuận lợi trong khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Đông đất lâu đời chỉ cấy 1 vụ, nay đã cấy hai vụ chiêm- mùa, năng suất cao. An ninh lương thực đảm bảo khá bền vững, chăn nuôi phát triển đa dạng cho thu nhập khá cao,... đời sống mọi mặt của dân được cải thiện rõ rệt.

Đinh Hoàng Minh 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1