BAN KINH TẾ - XÃ HỘI

 

I. LÃNH ĐẠO BAN KINH TẾ - XÃ HỘI

  • Trưởng ban : Vũ Thế Phương
  • Sinh năm : 1972
  • Quê quán: xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
  • Trình độ chuyên môn: Đại học, ngành Kinh tế 
  • Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp
  • Số điện thoại:
  • Email: phuongvt.nq
@ninhbinh.gov.vn
  
 
  • Phó ban : Đào Thị Thùy 
  • Sinh năm : 1982
  • Quê quán: Xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình 
  • Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại 
  • Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp
  • Số điện thoại:
  • Email: thuydt.nq
@ninhbinh.gov.vn

 

II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN KINH TẾ - XÃ HỘI

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, trình tự giải quyết công việc và mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (sau đây gọi tắt là Ban).

2. Các thành viên của Ban và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Ban chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Ban hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; biểu quyết theo đa số; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND huyện, thường trực HĐND huyện, theo quy định của pháp luật.

2. Giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, đúng phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND huyện.

3. Các thành viên của Ban chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trước HĐND huyện; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban, Trưởng Ban về nhiệm vụ, quyền hạn được Ban phân công.

4. Đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN KINH TẾ - XÃ HỘI

 Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trong việc tham gia chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp của HĐND huyện

1. Đề xuất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp HĐND theo nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Chủ trì, phối hợp với Ban Pháp chế HĐND huyện xây dựng các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết được phân công.

3. Tham gia thảo luận, đề xuất với Thường trực HĐND huyện về các vấn đề được xem xét để trình tại các kỳ họp.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thường trực HĐND huyện phân công.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trong hoạt động thẩm tra

1. Ban thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại mỗi kỳ họp HĐND huyện khi được Thường trực HĐND huyện phân công.

2. Ban cử thành viên tham gia nghiên cứu báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết để chuẩn bị cho việc thẩm tra; yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề, nội dung thẩm tra; tổ chức lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề cần quan tâm (nếu cần thiết); khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan.

3. Sau khi kết thúc thẩm tra, Ban báo cáo kết quả với HĐND, Thường trực HĐND huyện theo quy định.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trong hoạt động giám sát

1. Ban giám sát hoạt động UBND huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND huyện về các lĩnh vực Ban phụ trách.

2. Xem xét quyết định của UBND huyện và nghị quyết của HĐND các xã, thị trấn có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND huyện thì Ban yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản đó xem xét, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản đó; trường hợp cơ quan ban hành văn bản không thực hiện yêu cầu thì Ban kiến nghị với Thường trực HĐND huyện xem xét, quyết định.

3. Căn cứ vào chương trình giám sát của Ban hoặc qua giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến, kiến nghị của cử tri phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc được HĐND, Thường trực HĐND giao thì Ban tổ chức Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề.

4. Đoàn giám sát có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng đề cương báo cáo để cơ quan, tổ chức, cá nhận chịu sự giám sát báo cáo;

b) Thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Đoàn giám sát; thông báo chương trình và thành phần Đoàn giám sát chậm nhất là 10 ngày trước ngày Đoàn giám sát làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát;

c) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bẳng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát, giải trình vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm;

đ) Xem xét, xác minh, mời chuyên gia tư vấn về vấn đề mà Đoàn giám sát xét thấy cần thiết;

e) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà  nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

g) Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát phải báo cáo kết quả giám sát với Ban.

Căn cứ vào tính chất, nội dung của vấn đề được giám sát, Ban tổ chức phiên họp để xem xét, thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát; trên cơ sở đó báo cáo với Thường trực HĐND huyện về kết quả giám sát và gửi thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát để tổ chức thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

1. Ban tổ chức Đoàn giám sát để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan, đơn vị khi xét thấy cần thiết hoặc theo sự phân công của Thường trực HĐND huyện.

2. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Ban yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Ban và  báo cáo với Ban trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM

GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA CÁC THÀNH VIÊN

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên

1. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung hoạt động của Ban. Tham gia ý kiến và biểu quyết về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban.

2. Tích cực, chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật, nắm bắt thực tế, đề xuất các nội dung liên quan đến chương trình công tác, hoạt động giám sát, thẩm tra của Ban.

3. Có trách nhiệm tham gia đầy đủ các cuộc họp, các hoạt động giám sát, thẩm tra và các hoạt động khác của Ban.

4. Thực hiện nhiệm vụ được phân công theo chương trình, kế hoạch công tác của Ban.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Trưởng ban

1. Chỉ đạo, điều hành công việc của Ban và chịu trách nhiệm trước HĐND, Thường trực HĐND huyện về mọi hoạt động của Ban, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban.

2. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ban theo sự phân công của HĐND, Thường trực HĐND huyện và quy định của pháp luật.

3. Phân công, ủy quyền cho Phó Trưởng ban thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phó Trưởng ban

1. Tham mưu giúp Trưởng ban chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Ban, được Trưởng ban phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban, Trưởng ban; đồng thời cùng các thành viên khác của Ban chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ban trước HĐND, Thường trực HĐND huyện.

2. Trong lĩnh vực công tác được phân công:

a) Chủ động việc dự thảo văn bản, chuẩn bị tài liệu phục vụ các cuộc họp, các hoạt động giám sát, thẩm tra của Ban.

b) Báo cáo và đề xuất với Trưởng ban xem xét, quyết định xử lý kịp thời công việc liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách đã phối hợp xử lý nhưng ý kiến chưa thống nhất.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban phân công.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 11. Chế độ làm việc

1. Thảo luận tập thể và biểu quyết các vấn đề tại phiên họp của Ban. Các kết luận của Ban được thông qua khi có quá nửa số thành viên đồng ý.

2. Đối với những vấn đề do yêu cầu cấp bách hoặc không nhất thiết phải tổ chức họp để thảo luận tập thể, theo chỉ đạo của Trưởng ban, phân công thành viên phụ trách sẽ gửi hồ sơ, tài liệu đến từng thành viên để lấy ý kiến.

Trong thời hạn lấy ý kiến, các thành viên Ban phải có ý kiến trả lời. Hết thời hạn, các thành viên không có ý kiến thì coi như đồng ý và chịu trách nhiệm với Ban về nội dung đã gửi lấy ý kiến.

Điều 12. Chế độ họp

1. Ban định kỳ 3 tháng họp một lần để đánh giá việc thực hiện chương trình công tác và triển khai nhiệm vụ công tác của quý tiếp theo. Thời gian triệu tập họp do Trưởng ban quyết định.

2. Trong trường hợp cần thiết, Ban tổ chức họp để thảo luận và giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

3. Trưởng ban chủ trì các cuộc họp của Ban. Các thành viên Ban có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban; Trường hợp không thể tham dự được thì phải báo cáo Trưởng ban. Tài liệu họp Ban được gửi đến thành viên trước 3 ngày làm việc để nghiên cứu, tham giam ý kiến tại cuộc họp.

Điều 13. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Ban có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác trước HĐND huyện tại kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm.

2. Trong thời gian giữa các kỳ họp HĐND huyện, Ban có trách nhiệm báo cáo công tác trước Thường trực HĐND huyện.

Điều 14. Mối quan hệ công tác

1. Ban Kinh tế - xã hội là cơ quan của Hội đồng nhân dân huyện, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Huyện ủy, nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về các mặt công tác thuộc trách nhiệm của Ban. Chịu sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND huyện.

2. Giữ mối liên hệ công tác với Ban Pháp chế HĐND huyện, các cơ quan, đơn vị, ban ngành của huyện; Thường trực HĐND, các Ban HĐND các xã, thị trấn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ và trao đổi kinh nghiệm hoạt động về những vấn đề có liên quan.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Trưởng ban có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho Phó Trưởng ban và các thành viên để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của Ban.

2. Các thành viên Ban Kinh tế - xã hội chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 16. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội dung chưa phù hợp hoặc cần bổ sung, sửa đổi, thay thế thì Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.

BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1