Cổng Dịch vụ Công Quốc gia cung cấp gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến
Cán bộ Điện lực Hoa
Lư, Ninh Bình thu thập số liệu tự động trên máy tính từ công tơ điện tử đo xa.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị (gồm 24 bộ, ngành, 63
địa phương; 16 ngân hàng, trung gian thanh toán; 10 cơ sở dữ liệu quốc gia,
chuyên ngành…), phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết thủ
tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Trong đó, đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 thủ tục hành chính trên
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính với các Hệ thống thông tin giải
quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4.500 dịch vụ
công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một
lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và
dịch vụ.
Trung bình mỗi ngày có 106.000 hồ sơ trực tuyến, 50.000 giao dịch thanh
toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Ba Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Giao thông Vận tải) và 31 địa phương đã hoàn
thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông
tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của
tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ
liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển
khai các giải pháp kết nối, chia sẻ giúp việc triển khai thực hiện thủ tục hành
chính, dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, hiệu quả hơn.
Tỉnh Bình Định đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính với hệ thống thông tin của các bệnh
viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn, giúp
người dân thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Hệ thống thanh
toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm
việc trên địa bàn tỉnh trên cơ sở số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành
chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị, giúp việc quản lý và
giải quyết có hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến người nước ngoài,
nhất là các dịch vụ công trực tuyến về cấp giấy phép lao động cho người nước
ngoài trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả hơn…
Báo cáo tại buổi làm việc của lãnh đạo Tổ công tác cải cách thủ tục
hành chính của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 16/11,
ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính
phủ) cho biết hầu hết các bộ, địa phương đều đã hoàn thành việc hợp nhất Cổng
Dịch vụ Công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin
giải quyết thủ tục hành chính. Còn Bộ Ngoại giao chưa thực hiện nhiệm vụ này.
Tra cứu TTHC trên cổng dichvucong quốc gia
Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, các bộ, địa phương đều chưa đồng
bộ 100% hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục
hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết nối, hoàn thành chuẩn hóa danh mục
kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đồng bộ các kết quả giải quyết thủ tục
hành chính với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Bộ Quốc phòng đã đồng bộ
14.986/157.042 hồ sơ tính từ đầu năm đến hết quý 3/2023.
Thành phố Hà Nội đã đồng bộ 146.189 hồ sơ trên Cổng Dịch vụ Công Quốc
gia và tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn là 10,11%. Quảng Ninh đã đồng bộ 412.689
hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
(đạt 92% tổng số hồ sơ)...
Theo đánh giá trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, tỷ lệ giải quyết hồ sơ
quá hạn của Bộ Ngoại giao là hơn 68%; Thành phố Hồ Chí Minh trong số 5,8% hồ sơ
được đồng bộ, kiểm soát, tỷ lệ giải quyết hồ sơ quá hạn là 13,12%.
Năm 2023, Chính phủ giao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn
trình trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia là 40%. Bên cạnh một số địa phương đã đạt
chỉ tiêu được giao như Tây Ninh (60,16%), Cần Thơ (59,88%), Hải Phòng (45,56%),
Quảng Ninh (40,23 %), còn nhiều nơi chưa đạt chỉ tiêu này.
Hà Nội mới chỉ cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng
Dịch vụ Công Quốc gia, đạt 0,4%. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh mới cung cấp
được 435 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 24,6%; Hải Dương đạt 28,2%. Bộ
Quốc phòng đã triển khai 59/245 thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến.
Chỉ tiêu tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia
trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công Chính phủ giao năm 2023 là
30%.
Đến nay, Hải Dương đã đạt hơn 46%; Cần Thơ 41,43%; Tây Ninh đạt 40,24%;
Thành phố Hồ Chí Minh đạt 37,34%; Hải Phòng đạt 35,94%.
Đáng chú ý là Quảng Ninh đã thu 23,08 tỷ đồng qua hình thức không dùng
tiền mặt trên tổng số phí, lệ phí đã thu là 28,63 tỷ đồng (đạt 80%).
Kể từ ngày 1/7/2023, tỉnh này đã thực hiện thu phí, lệ phí 100% không
dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 Trung tâm Hành
chính Công cấp huyện.
Các cơ quan chưa đạt chỉ tiêu là Bộ Quốc phòng (chưa phát sinh hồ sơ
thanh toán trực tuyến), Hà Nội (2,3%), Bộ Ngoại giao chưa triển khai việc thanh
toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia./.