Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực trong chuyển đổi số
Lượt xem: 50
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện nhanh, phát triển bền vững, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tại Ninh Bình, với quan điểm xuyên suốt lấy người dân làm trung tâm, coi dữ liệu là tài nguyên mới và nền tảng là giải pháp đột phá, công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua đã mang lại những kết quả phấn khởi, dần hướng tới mục tiêu "vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân".
anh tin bai

Phục vụ người dân tại bộ phận Một cửa xã Văn Phong

Những năm qua, công tác chuyển đổi số được các cấp, các ngành trên địa bàn quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đã đạt được những kết quả tích cực: Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao về chất lượng, nội dung và quy trình; Thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc, kỷ luật kỷ cương hành chính không ngừng được nâng cao; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giải quyết công việc, theo dõi, kiểm tra, giám sát công việc bước đầu đã phát huy được hiệu quả...

Cùng với đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động. Trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa kịp thời, quyết liệt; vẫn còn tình trạng trễ hạn trong giải quyết các TTHC; tính sáng tạo, năng động và chất lượng tham mưu ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa cao; tinh thần phục vụ Nhân dân có nội dung chưa tốt, việc giải quyết một số TTHC chưa đảm bảo tiến độ, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức và công dân; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đối với cấp xã chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc còn chưa nghiêm...

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ngày 3/4/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND thông qua Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 03/4/2024 của UBND tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025. 

Đề án được ban hành nhằm mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, các nền tảng cơ bản để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước. Trong đó, về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt tối thiểu 10%. Về xã hội số, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến THPT có mô hình quản trị số, hoạt động số đạt tối thiểu 70%. 

Về hạ tầng số, dữ liệu số, phấn đấu đạt 100% các mục tiêu, như địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G và mạng Internet cáp quang; khu vực trung tâm các huyện, thành phố, các cụm, khu công nghiệp của tỉnh có sóng di động 5G. Phấn đấu 100% hệ thống thông tin, phần mềm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được xây dựng, phê duyệt hồ sơ và triển khai phương án đảm bảo cấp độ an toàn hệ thống thông tin; được kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định... 

Từ những mục tiêu đặt ra trong Đề án, có thể thấy, người dân chính là "trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số". Mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Do vậy, chuyển đổi số mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng toàn dân. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra, để người dân được hưởng lợi từ dịch vụ công, sử dụng các tiện ích xã hội nhanh và hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. 

 

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1