Kết quả này cho thấy những quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền các cấp trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Chỉ số PAPI là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân về sự hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước.
Chỉ số PAPI được thể hiện ở 8 nội dung chính, đó là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công trong phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PAPI. Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính tỉnh; ban hành Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, thành viên các Ban Chỉ đạo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm", gắn với thực hiện Chủ đề công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất".
Thực hiện Chương trình công tác năm, Kế hoạch CCHC năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả CCHC thuộc phạm vi quản lý. UBND tỉnh đã ban hành 236 văn bản chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo thực hiện việc cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC về đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường quản lý ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành gần 1.000 văn bản chỉ đạo về công tác CCHC. Với sự quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 40/40 nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch CCHC năm 2023.
Tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá, lan tỏa các giá trị bản sắc độc đáo, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực cho tăng trưởng, được đánh giá cao về cách thức tổ chức, tính khoa học, tính mới về chủ đề, cách tiếp cận nghiên cứu đa ngành, liên ngành khác nhau về đánh giá, định dạng các giá trị bản sắc của tỉnh Ninh Bình, làm cơ sở nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về các chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân; tạo điều kiện cho người dân chủ động tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định và giám sát các dự án, công trình công cộng ở địa phương.
Ông Đặng Viết Mong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) cho biết: Là trung tâm của huyện Yên Mô, trong nhiều năm trở lại đây, thị trấn Yên Thịnh được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều mặt, nhất là đầu tư về hạ tầng nhằm hướng tới xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị loại IV.
Trong quá trình triển khai các dự án, thị trấn đặc biệt coi trọng việc công khai quy hoạch, công khai các dự án, đề án và thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra". Việc đầu tư xây dựng các dự án phục vụ dân sinh đều có sự tham gia đóng góp và giám sát của người dân. Bên cạnh đó, thị trấn quan tâm làm tốt công tác dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng. Do vậy, các công trình được thực hiện nhanh chóng, đúng tiến độ, bảo đảm công khai, minh bạch, không có khiếu kiện, qua đó tăng hiệu quả đầu tư.
Phương châm "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra" trong triển khai thực hiện các dự án được chính quyền các địa phương trong tỉnh coi trọng. Ông Quách Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Phong (Nho Quan) chia sẻ: Để khơi dậy và khuyến khích các cá nhân tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện chính sách, cải thiện hiệu quả công tác quản trị tại địa phương, thời gian qua chính quyền xã Lạng Phong đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm "Công khai, minh bạch, công tâm, chu đáo, đúng pháp luật, đúng hẹn".
Để đáp ứng được điều này, UBND xã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được làm việc trong môi trường thuận lợi nhằm phát huy trí tuệ, năng lực, đạt năng suất và chất lượng cao trong thực thi công vụ. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo kip thời, chính xác và hợp pháp. Quy trình xử lý, giải quyết công việc hợp lý, rõ ràng, thống nhất, công khai và đúng pháp luật, có hiệu quả cao.
Các công trình, dự án trên địa bàn khi được triển khai đều thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm người dân được biết, được tham gia đóng góp ý kiến, giám sát thi công, từ đó tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, xã Lạng Phong cho biết: Khi xã có chủ trương đầu tư xây dựng các công trình như đường liên thôn, nhà văn hóa của khu dân cư, công viên cây xanh…, người dân chúng tôi đều được tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch, tham gia đóng góp ngày công và giám sát thực hiện. Do đó, chúng tôi rất yên tâm và hài lòng với các công trình dân sinh đã và đang được triển khai xây dựng.
Năm 2023, điểm tổng hợp chỉ số PAPI của tỉnh Ninh Bình tiếp tục thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó có 4 tiêu chí có thứ hạng tăng so với năm 2022 là: Cung ứng dịch vụ công xếp thứ 2, tăng 39 bậc; thủ tục hành chính công xếp thứ 5, tăng 5 bậc; tham gia của người dân ở cấp cơ sở xếp thứ 6, tăng 16 bậc; trách nhiệm giải trình với người dân xếp thứ 16, tăng 28 bậc.
Đáng chú ý, tiêu chí "Trách nhiệm giải trình với người dân" là năm thứ hai liên tiếp có sự cải thiện về chỉ số này. Điều này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong việc tổ chức nhiều hội nghị bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục duy trì có hiệu quả hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp vào định kỳ thứ 5, tuần cuối cùng của tháng để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thứ hạng chỉ số PAPI năm 2023 phần nào cho thấy kết quả sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của hệ thống chính quyền; từng bước xây dựng chính quyền phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Tin rằng, với việc thường xuyên nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố xếp hạng trung bình cao, chỉ số PAPI của Ninh Bình trong những năm tiếp theo sẽ có những bước tiến vượt bậc, không chỉ thể hiện giá trị niềm tin của Nhân dân từ những điểm số, mà còn là sự tham gia một cách chủ động của người dân trong quản lý công, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.