BẢN TÓM TẮT ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ CỦA HUYỆN NHO QUAN GIAI ĐOẠN 2023-2025

BẢN TÓM TẮT ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

CẤP XÃ CỦA HUYỆN NHO QUAN GIAI ĐOẠN 2023-2025

(Kèm theo Công văn số 293/UBND-NV ngày 26/02/2024

của Uỷ ban nhân dân huyện Nho Quan)

Căn cứ Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018, Nghị định số
66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử
tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
; Phương án số 02/PA-UBND ngày 01/02/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình về Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025, Phương án số 09/PA-UBND ngày 25/10/2023 của UBND huyện Nho Quan về Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Nho Quan giai đoạn 2023-2025; Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan xây dựng bản tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện, giai đoạn 2023-2025, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Kết luận số 48-KL/TW  ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2030; Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 23/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2030; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 25/8/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2025; Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 06/9/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nho Quan về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Nho Quan, giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch số 87-KH/HU ngày 06/9/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 06/9/2023 của UBND huyện về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Nho Quan, giai đoạn 2023-2025; Phương án số 02/PA-UBND ngày 01/02/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình về Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025, Phương án số 09/PA-UBND ngày 25/10/2023 của UBND huyện Nho Quan về Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Nho Quan giai đoạn 2023-2025.

II. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA HUYỆN NHO QUAN

Huyện Nho Quan có diện tích tự nhiên: 450,83 km2 (Nguồn số liệu tính đến 31/12/2022 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cung cấp theo Công văn số 2351/STNMT-ĐKĐĐ, ngày 31/8/2023), dân số là: 175.523 người (Nguồn số liệu đến 31/12/2022 do Công an tỉnh Ninh Bình cung cấp theo Công văn số 2600/CAT-QLHC, ngày 06/9/2023); có 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 26 xã và 01 thị trấn.

Qua rà soát thực trạng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Nho Quan, hiện có 7 đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025 do đồng thời chưa đạt 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là các xã Gia Sơn, Phú Sơn, Lạng Phong, Văn Phong, Sơn Thành, Thanh Lạc, Sơn Hà; 11 đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030 do có đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính là các xã: Đồng Phong, Đức Long, Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thủy, Lạc Vân, Phú Lộc, Sơn Lai, Thượng Hòa, Văn Phương và Thị trấn Nho Quan. Tuy nhiên, xã Gia Sơn và xã Phú Sơn là 2 xã có yếu tố đặc thù đặc thù về truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt nếu sắp xếp với đơn vị hành chính khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đó giai đoạn 2023-2025, UBND huyện Nho Quan không đề nghị sắp xếp 2 đơn vị hành chính.

Thực trạng quy mô đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực địa phương bị phân tán; tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương lớn; đại đa số các đơn vị hành chính cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên. Vì vậy, cần thiết phải sắp xếp, tăng quy mô đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động hệ thống chính trị, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp xã đồng thời chưa đạt 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 35 của UBTV Quốc hội.

III. HIỆN TRẠNG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SẮP XẾP GIAI ĐOẠN 2023-2025.

  1. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp
    • 1.1. Xã Sơn Hà

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 10,01 km2

Quy mô dân số: 5.309 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 234 người; chiếm tỷ lệ 4,4%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: không.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Ninh Hải thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Quảng Lạc thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Bắc giáp ranh với xã Quỳnh Lưu và xã Sơn Lai thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

1.2. Xã Sơn Thành

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

        Diện tích tự nhiên: 5,56 km2

Quy mô dân số: 3.519 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 53 người; chiếm tỷ lệ 1,5%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: Xã An toàn khu.

      Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Sơn Lai thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Thanh Lạc thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Quỳnh Lưu và xã Phú Lộc thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Bắc giáp ranh với xã Gia Phong, xã Gia Minh thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

1.3. Xã Thanh Lạc

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 6,46 km2

Quy mô dân số: 3.779 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 78 người; chiếm tỷ lệ 2,1%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: không.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Sơn Thành thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Văn Phú thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Phú Lộc thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

        - Phía Bắc giáp ranh với xã Thượng Hòa thuộc huyện Nho Quan và xã Gia Minh thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

        1.4. Xã Lạng Phong

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 4,41 km2

Quy mô dân số: 3.627 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 145 người; chiếm tỷ lệ 4,0%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: không.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Thượng Hòa thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với thị trấn Nho Quan thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Văn Phong thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Bắc giáp ranh với xã Lạc Vân thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

        1.5. Xã Văn Phong

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 7,65 km2

Quy mô dân số: 5.403 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 437 người; chiếm tỷ lệ 8,1%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: không.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Thượng Hòa thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Yên Quang thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Văn Phương thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

          - Phía Bắc giáp ranh với xã Đồng Phong và Lạng Phong thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

2. Hiện trạng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp:

2.1. Xã Sơn Lai

Là ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 17,88 km2

Quy mô dân số: 5.807 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 175 người; chiếm tỷ lệ 3,0%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: Xã An toàn khu.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Gia Sinh, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Sơn Thành, xã Quỳnh Lưu, thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Bắc giáp ranh với xã Gia Phong, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

2.2. Thị trấn Nho Quan

Là ĐVHC đô thị cấp xã ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diện tích tự nhiên: 2,9 km2

Quy mô dân số: 10.337 người.

Số dân là người dân tộc thiểu số: 2.682 người; chiếm tỷ lệ 25,9%.

Các chính sách đặc thù đang hưởng: không.

Các ĐVHC cùng cấp liền kề:

- Phía Đông giáp ranh với xã Lạc Vân, thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Tây giáp ranh với xã Đồng Phong, thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Nam giáp ranh với xã Văn Phong, xã Lạng Phong thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phía Bắc giáp ranh với xã Phú Sơn, thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

IV. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA HUYỆN NHO QUAN GIAI ĐOẠN 2023-2025

1. Phương án sắp xếp đối với xã Sơn Hà và xã Sơn Lai

        Thành lập ĐVHC xã mới trên cơ sở hợp nhất toàn bộ hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 ĐVHC cấp xã gồm: xã Sơn Hà (có diện tích tự nhiên là 10,01 km2, đạt 47,67% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 5.309 người, đạt 66,36% so với tiêu chuẩn) và xã Sơn Lai (có diện tích tự nhiên là 17,88 km2, đạt 85,14% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 5.807 người, đạt 72,59% so với tiêu chuẩn).

Dự kiến tên gọi của ĐVHC mới là: xã Phúc Sơn (Ghép 1 phần tên gọi trước đây của 2 xã[1] và giữ lại 1 phần tên gọi của 2 xã hiện tại thành tên gọi mới có ý nghĩa).

  • 1.1. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC

Sơn Hà là xã nằm phía Đông Nam của huyện Nho Quan tiếp giáp với 3 xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu, Quảng Lạc.

Xã Sơn Hà có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 70% tiêu chuẩn quy định do vậy là ĐVHC bắt buộc phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Qua rà soát các đơn vị hành chính liền kề thì:

- Xã Quảng Lạc và xã Quỳnh Lưu là xã không thuộc diện phải sắp xếp ĐVHC trong cả giai đoạn 2023-2030, đặc biệt xã Quỳnh Lưu là xã trung tâm của chiến khu Quang Trung (Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) trong thời kỳ chống thực dân Pháp - phát xít Nhật, trong khi xã Sơn Hà không phải là xã An toàn khu nên việc sáp nhập xã Sơn Hà vào các xã trên là không phù hợp.

- Nếu sáp nhập xã Sơn Hà với xã Sơn Lai thì diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều đủ tiêu chuẩn quy định, đồng thời cũng giải quyết luôn được việc sắp xếp ĐVHC xã Sơn Lai giai đoạn 2026-2030.

Do vậy, chỉ có xã Sơn Lai là ĐVHC giáp ranh phù hợp để sáp nhập với xã Sơn Hà.

1.2. Kết quả sau sắp xếp thì xã Phúc Sơn có:

  • Diện tích tự nhiên: 27,89 km2, đạt 132,8% so với tiêu chuẩn
  • Quy mô dân số: 11.116 người, đạt 139,0% so với tiêu chuẩn
  • Số dân là người dân tộc thiểu số: 409 người; chiếm tỷ lệ 3,68%
  • Các ĐVHC cùng cấp liền kề: xã Thanh Sơn sau sắp xếp (Sơn Thành + Thanh Lạc), xã Quỳnh Lưu, xã Quảng Lạc.
  • Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC: Xã Sơn Lai (do nằm ở Trung tâm của 2 xã).

    2. Phương án sắp xếp đối với xã Sơn Thành và xã Thanh Lạc

    Thành lập ĐVHC xã mới trên cơ sở hợp nhất toàn bộ hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 ĐVHC cấp xã gồm: xã Sơn Thành (có diện tích tự nhiên là 5,56 km2, đạt 26,48% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 3.519 người, đạt 43,99% so với tiêu chuẩn) và xã Thanh Lạc (có diện tích tự nhiên là 6,46 km2, đạt 30,76% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 3.779 người, đạt 47,24% so với tiêu chuẩn).

    Dự kiến tên gọi của ĐVHC xã mới là xã Thanh Sơn (giữ lại 1 phần tên gọi của 2 ĐVHC cũ ghép thành tên gọi mới có ý nghĩa).

    • 2.1. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC

    Xã Sơn Thành và xã Thanh Lạc là hai xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 70% tiêu chuẩn quy định do vậy là hai ĐVHC bắt buộc phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

    Qua rà soát các đơn vị hành chính liền kề (Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa, Văn Phú, Phú Lộc, Quỳnh Lưu, Sơn Lai) thì: Xã Sơn Thành và xã Thanh Lạc là hai xã liền kề nhau. Do vậy, xã Sơn Thành và xã Thanh Lạc phù hợp để sáp nhập với nhau.

    • 2.2. Kết quả sau sắp xếp thì xã Thanh Sơn có:
  • Diện tích tự nhiên: 12,02 km2, đạt 57,2% so với tiêu chuẩn
  • Quy mô dân số: 7.298 người, đạt 91,2% so với tiêu chuẩn
  • Số dân là người dân tộc thiểu số: 131 người; chiếm tỷ lệ 1,8%

    Các ĐVHC cùng cấp liền kề: xã Thượng Hòa, xã Văn Phú, xã Phú Lộc, xã Quỳnh Lưu, xã Phúc Sơn sau sắp xếp (Sơn Lai + Sơn Hà).

    3. Phương án sắp xếp đối với xã Văn Phong và xã Lạng Phong

    Nhập, điều chỉnh toàn bộ hiện trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của ĐVHC xã Lạng Phong (có diện tích tự nhiên là 4,41 km2, đạt 21% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 3.627 người, đạt 45,34% so với tiêu chuẩn), xã Văn Phong (có diện tích tự nhiên là 7,65 km2, đạt 36,43% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 5.403 người, đạt 67,54% so với tiêu chuẩn) vào Thị trấn Nho Quan (có diện tích tự nhiên là 2,9 km2, đạt 20,71% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 10.337 người, đạt 129,21% so với tiêu chuẩn).

    • 3.1. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC

    - Nếu sắp xếp xã Lạng Phong với xã Văn Phong thì diện tích tự nhiên là 12,06 km2, đạt 57,4% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 9.030 người, đạt 112,9% so với tiêu chuẩn: Không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.

    - Nếu sắp xếp xã Lạng Phong với các xã Thượng Hòa, Lạc Vân hoặc Thị trấn NQ thì đều không đảm bảo về tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.

    - Nếu sắp xếp xã Văn Phong với các xã giáp ranh: Lạng Phong, Đồng Phong, Thượng Hòa, Văn Phương, Yên Quang hoặc Thị trấn Nho Quan thì đều không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.

    - Việc sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã (Văn Phong, Lạng Phong) vào Thị trấn Nho Quan: Đảm bảo về các tiêu chuẩn của đô thị sau sắp xếp và để mở rộng quy mô về diện tích và dân số của đô thị đã nằm trong quy hoạch của huyện, phù hợp với quy hoạch chung đô thị Nho Quan đến năm 2030. Đồng thời phù hợp với lịch sử hình thành 2 xã Văn Phong, Lạng Phong và thị trấn Nho Quan (2 xã Văn Phong, Lạng Phong và thị trấn Nho Quan được tách ra từ xã Lạng Phong vào năm1953).

    1. . Kết quả sau sắp xếp thì Thị trấn Nho Quan có:
  • Diện tích tự nhiên 14,96 km2 (đạt 106,9% so với tiêu chuẩn)
  • Quy mô dân số 19.367 người (đạt 242,1% so với tiêu chuẩn)
  • Các ĐVHC cùng cấp liền kề: xã Đồng Phong, xã Phú Sơn, xã Lạc Vân, xã Thượng Hòa, xã Văn Phương, xã Yên Quang.

Đánh giá sơ bộ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: Sau khi sắp xếp, thị trấn Nho Quan có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH15, ngày 25/5/2016 và Nghị quyết số 1210/NQ-UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Quốc hội, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện (Quyết định số 418/QĐ-UBND 09/05/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050), quy hoạch chung đô thị Nho Quan đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 880/QĐ-UBND ngày 24/07/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nho Quan đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050) theo khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và đánh giá sơ bộ, điểm của các tiêu chuẩn của tiêu chí phân loại đô thị đều phù hợp và đảm bảo với quy định.

Trên đây là Tóm tắt Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của huyện Nho Quan giai đoạn 2023-2025./.

 



[1] Xã Sơn Hà đầu năm 1945 có tên gọi là xã Văn Phúc, đến đầu năm 1954 có tên gọi là xã Yên Phúc (Trích nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Hà (1947-2010) xuất bản năm 2015); Xã Sơn Lai trước năm 1945 có tên gọi là xã Phúc Lai, đầu năm 1945 có tên xã Văn Phúc (Trích nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Lai (1930-2010) xuất bản năm 2016).

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ HUYỆN NHO QUAN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1