Nhu yếu phẩm được huyện Nho Quan chỉ đạo phát trực tiếp đến các hộ dân khu vực bị ngập lụt.
Đoàn lãnh đạo huyện Nho Quan đi kiểm tra tình hình đời sống người dân bị ngập lụt tại xã Gia Thủy mang theo các nhu yếu phẩm thiết yếu là mì tôm, nước uống đã đến trực tiếp nhiều hộ gia đình ở thôn Ngọc Nhị, thôn bị ngập nặng nhất của xã.
Chở chúng tôi bằng chiếc thuyền nhỏ của gia đình, ông Hà Minh Toàn, người dân thôn Ngọc Nhị chia sẻ: Lâu lắm rồi, có khi từ năm 2017 đến nay mới có trận lụt nặng như thế. Người dân Gia Thủy chúng tôi dường như cũng đã quen với tình huống ngập lụt nên đã có sự chuẩn bị để ứng phó. Dù lương thực, thực phẩm không chuẩn bị được nhiều nhưng hầu hết các gia đình đều có phương án thu xếp tài sản, vật dụng, vật nuôi…
Nhiều nhà cửa ở thôn Ngọc Nhị (xã Gia Thủy) ngập sâu trong nước.
Trên con đường từ thôn Cây Sa vào thôn Ngọc Nhị, nhờ sự giới thiệu của người chở thuyền, chúng tôi mới biết được giữa biển nước ngập trắng xóa đâu là sân thể thao, đường giao thông của thôn…
Những chiếc thuyền chở theo nhu yếu phẩm và sự quan tâm, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo huyện Nho Quan, xã Gia Thủy giúp người dân thôn Ngọc Nhị thấy ấm lòng hơn trong những ngày mưa lũ.
Nhận quà hỗ trợ từ đoàn công tác, bà Đinh Thị Ngãi, người dân thôn Ngọc Nhị chia sẻ: Vợ chồng tôi đã cao tuổi nên được con cái, hàng xóm và cán bộ thôn đến hỗ trợ thu xếp đồ đạc, hai ông bà đã lên trên tầng mái để tránh lụt. Ngày cắt điện đầu tiên, chúng tôi đã nhận được thực phẩm từ con cái, hôm nay lại nhận được quà hỗ trợ của huyện và các nhà hảo tâm nên chúng tôi yên tâm hơn…
Nước ngập sâu, cửa nhà hẹp nên để nhận được đồ tiếp tế, nhiều người dân phải bơi ra sát cửa.
Tại xã Gia Thủy, do ảnh hưởng bởi mưa lũ nên trên địa bàn xã có khoảng 450 hộ bị ngập lụt, trong đó thôn Ngọc Nhị, Liên Phương là những thôn bị ngập nặng với 100% số hộ bị ảnh hưởng. Những ngày qua, chính quyền địa phương đã tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống lụt bão, chăm lo đời sống người dân khu vực bị ngập lụt, khẩn trương di dời các hộ già cả, neo đơn, hộ có nhà thấp; có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm để hỗ trợ bà con.
Trong những ngày qua, rất nhiều đoàn của các tổ chức, cá nhân về Gia Thủy ủng hộ các nhu yếu phẩm như: áo phao, mì tôm, nước uống, bánh chưng, bánh mì… Sự quan tâm, chia sẻ của những tấm lòng gần xa như tiếp thêm sức mạnh cho người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống.
Những ngày qua, xã Gia Thủy tiếp nhận nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu từ các tập thể, cá nhân gửi về ủng hộ, hỗ trợ bà con.
Tại xã Đức Long, một trong những địa phương cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa, lũ do nước sông Na, sông Lạng và sông Bôi đổ về. Đợt mưa lụt này, xã Đức Long có 8 thôn ngoài đê bị ảnh hưởng với gần 1.200 hộ, trong đó thôn Cao Thắng, Sơn Lũy 1, Sơn Lũy 2 có 100% hộ bị ngập nặng.
Đồng chí Đinh Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết sau bão số 3, xã đã tổ chức triển khai các phương án phòng, chống lũ, lụt trên địa bàn, nhất là đối với các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao như các thôn Thần Lũy, Sơn Lũy. Công tác "4 tại chỗ" được địa phương chấp hành nghiêm túc. Mấy ngày qua, xã đã bố trí lực lượng ứng trực khu vực xả tràn 3 xã Đức Long, Lạc Vân, Gia Tường 24/24h.
Đồng thời, địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ như: giao Ban công tác Mặt trận các thôn tổ chức rà soát các hộ già cả, neo đơn, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn để di chuyển đến ở nhờ các hộ có nhà cao tầng, nhà liền kề; quan tâm các điều kiện ổn định tình hình đời sống, lương thực, nước sạch cho người dân...
Phương tiện di chuyển của người dân vùng ngập lụt là những chiếc thuyền tôn.
Những ngày qua, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, người dân bị ảnh hưởng bởi mưa bão của xã Đức Long cũng nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, con em quê hương với các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Xã đã tổ chức tiếp nhận, phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể và các thôn tổ chức phân bổ kịp thời, đúng đối tượng. Chỉ tính riêng trong ngày 11/9 với 6 đoàn về hỗ trợ địa phương, hầu như 100% hộ dân ở 8 thôn bị ngập lụt đều nhận được quà hỗ trợ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cùng với những thiệt hại về diện tích lúa, hoa màu, diện tích rừng sản xuất, trên địa bàn huyện Nho Quan đã có 8/27 xã có vùng bị ảnh hưởng của ngập lụt với khoảng 2.238 hộ bị ngập lụt, tập trung ở các xã: Lạc Vân, Đức Long, Lạng Phong, Gia Thủy, Gia Lâm, Xích Thổ, Đồng Phong, Gia Sơn, Thượng Hòa, Sơn Thành. Cùng với nhà ở là các công trình phụ, tường rào, cột điện, chuồng trại chăn nuôi bị đổ, tốc mái…
Công an huyện Nho Quan bố trí lực lượng ứng trực, hướng dẫn giao thông cho người dân ở khu vực đầu cầu Nho Quan.
Trao đổi nhanh với đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan được biết: Trước tình hình mưa lũ sau bão số 3, điều đầu tiên huyện Nho Quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là huy động mọi lực lượng tham gia ứng cứu về con người, tài sản ở những khu vực bị ảnh hưởng ngập lụt. Lực lượng Công an, Quân sự, dân quân và các địa phương ưu tiên di chuyển người dân đến nơi an toàn, tập trung di dời tài sản của bà con lên các địa điểm cao hơn; huy động các nguồn lực để đáp ứng kịp thời các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, quyết tâm không để người dân nào không có nhà ở, không có thực phẩm, nước uống trong những thời điểm bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đặc biệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân cũng như các công trình trọng điểm của Nhà nước trên địa bàn huyện.
Thực hiện Lệnh số 56/L-BCH về Lệnh di dân của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Bình vào hồi 13 giờ ngày 12/9/2024, huyện Nho Quan đã thông tin đến người dân, phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các cơ quan có liên quan chuẩn bị cho phương án di dời dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Mọi công tác di dời được huyện Nho Quan xác định đảm bảo mọi yếu tố an toàn về người cũng như tài sản của Nhà nước và của Nhân dân; tập trung khắc phục hậu quả sau bão và lũ.